Theo BS. ĐỖ THANH TOÀN cho biết:
- Bệnh Kawasaki là tình trạng sốt cấp hay kèm phát ban toàn thân thường xảy ra đối với trẻ dưới 5 tuổi, hay gặp nhất ở lứa tuổi bú mẹ. Với đặc điểm có viêm lan tỏa của hệ mạch máu nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim. Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ nam thường cao hơn so với trẻ nữ.
- Hậu quả tức thời của bệnh Kawasaki có thể chưa nghiêm trọng ngay. Tuy nhiên, các biểu hiện tim mạch ảnh hưởng nhiều đến tính mạng bệnh nhân như viêm tim, phình giãn động mạch vành gây đột tử, nhồi máu cơ tim ở trẻ nhỏ hay hẹp tắc và suy vành mạn tính về sau.
- Triệu chứng của bệnh Kawasaki:
+ Sốt là biểu hiện hay gặp nhất, thường xuất hiện đầu tiên và kéo dài trên 5 ngày, với đặc điểm ít đáp ứng với kháng sinh hay thuốc hạ nhiệt thông thường.
+ Kết mạc mắt sung huyết, đỏ; thường KHÔNG chảy dịch, hình thành trong tuần bị bệnh đầu tiên.
+ Môi đỏ rõ, có thể nứt kẽ rỉ máu.
+Lưỡi đỏ và có thể nổi gai.
+ Phát ban thường xuất hiện sớm khi mắc bệnh; thường gặp ban đỏ đa dạng, toàn thân.
+ Biểu hiện ở đầu chi như sưng nề mu bàn tay, chân; đỏ tía gan bàn tay, bàn chân.
+ Hạch bạch huyết vùng cổ, góc hàm có thể sưng lên to, thường một bên (triệu chứng này dễ bỏ sót trên lâm sàng)
Các triệu chứng của bệnh Kawasaki thường giống nhiều bệnh sốt cấp khác như nhiễm trùng, sốt phát ban nhiệt đới trong khi một số triệu chứng tiến triển giống như tự thoái lui nên bệnh rất dễ bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
-
Biến chứng bệnh Kawasaki:
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì biểu hiện lâm sàng của bệnh có thể tự thoái lui, tuy nhiên các biến chứng của bệnh ở các cơ quan, đặc biệt là biến chứng phình giãn động mạch vành tim gây hậu quả nhồi máu cơ tim hay hẹp tắc động mạch vành và thiếu máu cơ tim, suy vành mãn tính. Tỷ lệ này gặp khá cao nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng phác đồ.
Do đó, nếu trẻ nhỏ sốt cao liên tục 3 - 4 ngày, kèm từ 2 hoặc 3 triệu chứng trong số biểu hiện phát ban đỏ ngoài da; môi đỏ và lưỡi đỏ nổi gai; đỏ mắt hai bên nhưng không có ghèn hay dịch tiết; Sưng hạch góc hàm thì cần nghĩ đến bệnh Kawasaki và sớm đưa con đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch nhi.