Ngay từ xa xưa, những người đang sống luôn nuối tiếc và nguyện cầu cho những người đã khuất. Người ta đã tưởng tượng và khắc họa ra nhiều bức tranh mô tả cuộc khiêu vũ của những người chết dưới âm phủ, một thế giới mới bình đẳng, an lành, vui vẻ và siêu thoát.
Gần 2000 năm kể từ thế kỷ thứ 4 truớc Công nguyên đến thế kỷ 15 sau Công nguyên, tôn giáo là một rào cản sự phát triển khoa học kỹ thuật. Các nhà y học bị cấm mổ xác để nghiên cứu và giảng dạy. Ai vi phạm sẽ bị treo cổ… Giải phẫu động vật tuy có giúp ích phần nào trong đào tạo nhưng không thể thay thế giải phẫu học cơ thể người. Bất chấp nguy hiểm, thầy trò ngành y đã bí mật đem cái xác vô thừa nhận xuống các hầm rượu để mổ xẻ học tập.
Đến thời đại Phục Hưng, ngành Giải phẫu học phát triển mạnh mẽ, trở thành một môn học quan trọng, là cơ sở của các môn cơ sở. Phẫu tích xác trở nên phổ biến và bắt buộc trong các trường ĐH Y. Các nhà giải phẫu học và sinh viên y khoa là những người thấu hiểu hơn ai hết sự cống hiến có một không hai ấy.
Chính vì vậy, vào dịp Giáng sinh hằng năm, họ đã tổ chức lễ hội khiêu vũ tạ ơn những người đã hiến thân mình cho khoa học. Người ta gọi đó là lễ hội Macabre Dance – Macchabée (Tạm dịch: Khiêu vũ với tử thần).
Macchabée là một lễ hội văn hóa độc đáo, phổ biến ở các nước phương Tây, thể hiện tính đa dạng trong nghi lễ, hội hè, âm nhạc và nghệ thuật. Lễ hội còn là sự kính trọng, thương tiếc của người còn sống đối với người đã khuất.
Kể từ năm 1990, cố Giáo sư Nguyễn Quang Quyền, Chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu ĐH Y Dược TP.HCM đã quyết khôi phục lễ hội Macchabée nhằm tri ân những người đã hiến xác cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo y khoa. Lễ hội này sẽ được tổ chức vào khoảng 23 tháng chạp ÂL hằng năm.
Ghi nhận của BS Lê Anh (buổi cầu hồn Macchabée năm 1962 tại trường ĐHYK Saigon) :
Từ thời trung cổ xa xưa, sự thương tiếc và cầu chúc của người đang sống đối với những người quá cố luôn luôn in sâu trong tâm tư của những người thân còn sống sót. Tình cảm thiêng liêng đó được ghi đậm sâu sắc trong những nghi lễ, trong các hội hè, trong việc thờ cúng với bằng tất cả nghệ thuật điêu luyện. Người ta đã vẽ, đã khắc họa những bức tranh tuyệt diệu, mô tả những cuộc khiêu vũ của những người chết dưới âm phủ và luôn cầu mong rằng người thân của mình khi chết sẽ sang một thế giới mới, thế giới bình đẳng, an lành và siêu thoát.
Sang thời kỳ Phục Hưng, thế kỷ XVI, khi ngành Giải Phẩu học phát triển mạnh mẽ và trở thành một môn học quan trọng, việc phẩu tích xác trở nên bắt buộc và phổ biến trong các trường Đại Học Y Khoa. Các nhà Giải Phẩu học và sinh viên Y khoa là những người ý thức được sự hy sinh vô giá và đầy hiệu quả của những người đã tình nguyện dâng hiến thân xác mình cho khoa học nói chung và cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo y khoa nói riêng. Vì thế, họ đã có sáng kiến biến tinh thần biết ơn trên thành những buổi khiêu vũ để tri ân những người đã cống hiến hình hài của mình cho khoa học vào dịp lễ Giáng Sinh hằng năm. Lễ hội Macchabée được hình thành từ đó.
Macchabée là một nét văn hóa độc đáo, phổ biến ở các nước Tây phương. Lễ hội mang tính nhân bản sâu sắc, thể hiện sự thương tiếc và chúc phúc của những người sống cho những người đã khuất, qua đó gửi gấm khát vọng hạnh phúc và bình đẳng đến tất cả mọi người.
Theo thông lệ, ở Việt Nam, trước năm 1975, cứ mỗi năm vào khoảng ngày 22- 23 tháng chạp âm lịch, tại Cơ Thể Học Viện tổ chức lễ Cầu Hồn Macchabée. Lễ được tổ chức để tri ơn cho những xác chết vô thừa nhận mà hằng năm sinh viên y khoa, qua nhiều thế hệ, mới tập tểnh vào trường thuốc, đã “mổ banh ra” để học hỏi.
“Riêng tại Pháp, buổi lễ được tổ chức vô cùng trọng thể. Những sinh viên y khoa họp nhau dùng quần áo của chính mình lau dọn khu cơ thể học, chùi những bàn đá đặt xác, những hồ ngâm thối tha trước buổi lễ vài hôm. Họ hăng hái tận tụy dọn dẹp không một chút sợ sệt ghê khiếp hay nề hà bẩn thỉu khó nhọc. Và cũng nhân cơ hội này, họ đã lợi dụng để đo lường lòng hăng say học thuốc của những sinh viên “ma mới” bằng cách bắt các anh chị này cởi bỏ hết quần áo của chính mình để lau chùi nhà cửa. Đồng thời, có những giờ hội thảo về lý thuyết và thực hành cơ thể tổ chức quan sát ngay trên tấm thân nõ nường của các bạn “ma mới”. Bạn nào không chụi nỗi sự thử sức khảo hạch, sẽ mang biệt danh “thỏ đế” hoặc “gián ngày” và còn bị chế riễu suốt năm không đáng làm sinh viên trường thuốc.
Đã là y sinh thì phải biết chịu đựng, hy sinh, chăm học, nghịch ngợm quấy nhộn bậc nhất, kể cả ngay trên thân xác mình”.
Đó là nghi lễ của nước ngoài, còn ở nước ta, buổi lễ được tổ chức đơn giản hơn nhưng không kém phần trang nghiêm.
Theo truyền thống, các sinh viên năm thứ hai trường y đãm trách tổ chức buổi lễ. Đây là một buổi lễ quan trọng mang nhiều ý nghĩa nhân bản thiêng liêng và giá trị nhất trong cuộc sống ngắn ngủi ở thế giới trường thuốc sau ngày trình luận án Tiến sĩ, trước khi hành nghề. Có những anh chị đã tốt nghiệp nhiều năm trước và công tác ở các đơn vị xa xôi hoặc tại các tỉnh đèo heo hút gió cũng có về tham dự trong những ngày được về phép hay về công tác tại Sài Gòn.
Buổi lễ được tổ chức làm hai buổi: buổi sáng, theo nghi thức Thiên Chúa giáo và buổi chiều, theo nghi thức Phật giáo. Tuy là hai buổi lễ riêng biệt, nhưng thường chúng tôi đều đi dự cà hai. Chúng tôi quan niệm rằng tôn giáo là nơi nương tựa của con người đặt niềm tin vào Thượng đế và thần linh để mà sống trên trần gian đầy hệ lụy này. Những thể xác vô thừa nhận nằm phơi trên các bàn đá lạnh lẻo trong Cơ Thể Học viện đã cống hiến cho những sinh viên học hỏi khi mới chập chững vào trường thuốc. Bổn phận của chúng tôi, những sinh viên non dại, là phải biết ơn vô cùng quí giá này. Những thân xác ấy là những bảo vật vô giá cho thế hệ sinh viên muốn theo nghiệp thuốc. Để tỏ lòng biết ơn cao cả nên chúng tôi cùng rủ nhau tham dự cả hai buổi lễ để cầu nguyện cho những vong linh của những thân xác vô thừa nhận mà chúng tôi đã mổ banh ra tìm tòi học hỏi từng thớ thịt, đường gân, từng mạch máu cùng ngỏ ngách đường đi của mỗi sợi dây thần kinh trong năm học vừa qua.
Anh chị em sinh viên Thiên Chúa giáo đích thân phụ trách tổ chức lễ buổi sáng tại nhà thờ của ký túc xá Đắc Lộ, đường Yên Đỗ do cha Lichtenberger chủ lễ. Vị linh mục mà những sinh viên chúng tôi kính trọng như một bậc “Cha Già” đáng mến. Cha là người Gia Nã Đại. Trong Đệ Nhị thế chiến, khi còn là y sĩ, Cha đã từng vào tù ra khám. Tại trường Y Dược Đại học Sài Gòn, Cha phụ trách môn Tổ chức Tế bào và Di truyền học. Ngoài thì giờ của một linh mục và sau những giờ tại trường, Cha đã cặm cụi trong phòng thí nghiệm say mê nghiên cứu khoa học. Làm việc không cầu danh lợi mà vì nhân loại, Cha nối tiếp công trình của vị giáo sư linh mục Mendel tiền bối.
Mới thoạt nhìn, không ai có thể ngờ Cha là một bác sĩ được nhiều cảm tình đối với sinh viên. Dáng người lùn, khoan thai chậm chạp, bụng hơi phệ phồng lên dưới lớp áo dòng đen. Mặt Cha vuông vắn, với hai hàng râu mép cổ điển, vầng trán rộng với đôi mắt sáng long lanh, hiền từ, tỏa ra sự thông minh học rộng. Đấy là hình dáng Cha, của những ngày lạnh lẻo trong những buổi sáng tinh sương, từ trên xe taxi bước xuống, vào lớp dạy, đã để lại trong tâm trí của anh chị em sinh viên trường thuốc chúng tôi biết bao giờ phai nhạt.
Trong hơn một tiếng đồng hồ, Cha trầm tư cầu nguyện, trang nghiêm nói lên sự biết ơn vô bờ bến những xác chết vô thừa nhận, không được ma chay, không được lễ cúng, đã hiến dâng cho khoa học.
Tiếng cầu kinh ngân vang trong khu nhà thờ chật ních đám người trẻ đang cùng nhau hướng lên bàn thờ Chúa để cùng một lòng cầu nguyện cho các linh hồn còn vương vấn đâu đây trở về cõi Chúa! Mặt Cha đang trầm ngâm như thả hồn vào một thế giới vô hình huyền bí cao xa. Một thế giới hoàn toàn xa lạ với một thực tại của y học với những xác chết, người bệnh đang rên la do những cơn đau hoành hành trong một cơ thể gầy gò ốm yếu. Cha đã tự biến thành một con người tiên phong trong lảnh vực tâm linh, không còn bóng dáng của một vị giáo sư nghiêm nghị nữa. Hồn chúng tôi cũng chơi vơi và bị thu hút vào khung cảnh của giáo đường uy nghiêm. Tiếng cầu kinh trầm trầm, âm vang trong căn phòng đặc người đang cầu nguyện cho các linh hồn của những xác chết đã không còn nguyên vẹn sớm về cỏi Vĩnh Hằng.
Tôi đứng lặng yên trang nghiêm, hai bàn tay chắp lại trước ngực, lòng chơi vơi xao xuyến khấn cầu với lòng thành tâm, mặc dù tôi là người ngoại đạo. Tôi miên man suy nghĩ đến kiếp sống của con người, cuối cùng rồi cũng chết.
Tiếng ồn ào như đàn chim vở tổ đã đưa tôi về với thực tại. Tuổi trẻ bắt đầu lấy lại nếp sống bình thường. Chúng tôi rủ nhau ra sân rộng để chụp hình kỹ niệm. Một tiệc trà thân mật, kết thúc buổi lễ. Cha chủ lễ cũng trở lại dáng dấp của một vị giáo sư khả kính, ân cần thăm hỏi việc học hành của các anh chị em sinh viên. Cha cũng chuyện trò thân mật, chỉ dẫn vài ý kiến để cho anh chị em sinh viên khắc phục vài khó khăn gặp phải trong môn học với Cha.
Vào buổi chiều hôm ấy, buổi lễ được tổ chức tại giảng đường Cơ Thể Học viện. Chúng tôi biến giảng đường thành một giáo đường. Những hình ảnh, tranh vẽ những cơ thể con người trần truồng với những bắp thịt cùng các mạch máu chằng chịt tô màu xanh đỏ được hạ xuống. Trên bục gỗ, kê một bàn thờ. Trên bàn thờ, bày một cặp chân đèn đồng và một lư hương đồng bóng loáng. Hai bình bông huệ trắng phau, toả hương thơm phản phất. Một bức chân dung Đức Phật A Di Dà hiền dịu quảng đại từ bi đặt giữa bàn.. Đồ cúng lễ một mâm cơm chay, chè xôi thêm vào đó là những dĩa trái cây đủ loại, do chúng tôi mỗi đứa mang đến bày ngổn ngang trên bàn thờ. Trước bục gỗ, chúng tôi trải những chiếc chiếu lễ do gia đình bác y công mang đến dành cho các vị tăng làm lễ.
Giáo sư Giám Đốc và các Anh Chị giảng viên sẽ ngồi vào hàng ghế đầu hướng lên bàn thờ Phật, chủ toạ buổi lễ. Tất cả sinh viên chúng tôi chen chúc nhau đứng chật cả giảng đường mà giờ đây trước Đức Phật hiện hữu chứng kiến cho lòng thành tâm của mọi người cầu nguyện.
Nhìn gian phòng hành lễ, không ai có thể tưởng tượng nổi, cũng trong gian phòng này, trước đây mấy hôm, trên tấm bảng đen phủ một màn vải trắng chiếu cho sinh viên học những cơ quan của con người. Những hình ảnh mà người đời cho là dơ dáy, bẩn thỉu, tục tằng, nhưng đối với khoa học, với nghề thuốc, những hình ảnh ấy có một giá trị quan trọng không kém gì tim óc. Tạo hóa sinh ra cơ thể con người một cách hoàn mỹ và từng cơ quan liên hệ mật thiết với nhau, quan trọng như nhau, hổ trợ nhau, để tạo nên một CON NGƯỜI đúng nghĩa của nó. Chỉ có miệng thế gian cho là dơ là bẩn, rồi tự dưng nó trở thành dơ bẩn. Trong giờ phút này, tất cả mọi người như quên hết quá khứ, và chỉ có giây phút hiện tại im lặng và trang nghiêm chờ đợi khoá lễ.
Chúng tôi đã thỉnh cầu hai vị Thượng Toạ cùng vài trợ lễ đến tiến hành buổi lễ. Các vị phân phát cho chúng tôi mỗi đứa một quyển kinh nhỏ để đọc cầu nguyện cho hương linh những thân xác vô thừa nhận, do chúng tôi mổ nát bấy ra, chóng phiêu diêu về miền Cực Lạc.
Các vị trợ lễ đốt đèn và xông trầm hương tỏa mùi thơm bát ngát. Giáo sư Giám Đốc thắp ba nén hương cung kính đứng trước bàn Phật, khấn vái mở đầu khoá lễ. Gian phòng bỗng nhiên hoàn toàn im lặng, bầu không khí trở nên huyền diệu. Tiếng mõ trổi lên đều đều xen lẫn vài tiếng chuông thanh trong như chiêu hồn các xác chết vô thừa nhận kia còn lẩn quẩn đâu đây hãy cùng nhau nương về cõi Phật. Tiếng tụng kinh của các vị Thượng Toạ cất lên trầm đều. Tất cả chúng tôi cũng dò đọc theo những trang kinh, đặt hết niềm tin với lòng thành tâm vào buổi lễ. Với lòng ao ước, trong lễ cầu hồn này, chúng tôi cầu mong các vong linh bạc phước kia chứng kiến phù hộ cho chúng tôi sáng suốt trong việc học tập và may mắn trong mùa thi cử.
Tôi luôn đặt niềm tin vào những lời thành tâm cầu nguyện tự đáy lòng mình sẽ được phúc đáp. Tôi thầm nghĩ đến số phận con người trong cỏi đời đầy đau khổ này. Khi sống, một số người vì mãi mê danh lợi, gây nhiều tội ác, đánh mất nhân phẩm của mình, để sống được giàu sang phú qúy, ích kỷ, chỉ biết đến mình mà không hề biết đến ai. Cuộc đời của họ chỉ đầy tội lỗi và tội lỗi, khi chết đi thì thân xác tan biến vào lòng đất dơ bẩn như một kiếp ký sinh ăn hại xã hội, có gì hơn đâu mà người ta tranh giành ham muốn bán tất cả lương tri của con người.
Những xác chết vô thừa nhận, khi sống không người thân, sống cô đơn chiếc bóng, bị thiên hạ hất hủi, khi chết, được đưa về đặt vào hồ ngâm phormôn “mồ tập thể”, để một ngày nào đưa ra đặt trên bàn đá lạnh ngoài kia. Nhờ những thân xác bạc phước này mà đám sinh viên chúng tôi có được một số hiểu biết qúy giá căn bản để làm hành trang suốt đời trên con đường học hỏi và trong tương lai phục vụ trong ngành thuốc.
Biết bao giờ đám trẻ sinh viên chúng tôi đền bù được cái ơn vô giá này.
BSCKII. Nguyễn Văn Xáng