Trước đây, khi nói đến tăng acid uric máu, người ta thường nghĩ đến bệnh Gout. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa tăng acid uric máu và tiền thân của các bệnh tim mạch như: tăng huyết áp, hội chứng chuyển hóa, bệnh động mạch vành, sa sút trí tuệ, tiền sản giật, bệnh thận… Theo thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ tăng acid uric máu khoảng 20%, là một tỷ lệ đáng báo động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Bệnh thận mạn tính là một biến chứng nghiêm trọng và phổ biến của bệnh đái tháo đường type 2 (ĐTĐ2). Việc phát hiện và theo dõi sớm bệnh thận mạn tính ở bệnh nhân ĐTĐ2 là rất quan trọng để quản lý hiệu quả. Ở bệnh nhân ĐTĐ2, tình trạng tăng acid uric máu thường gặp do suy giảm chức năng thận. Nồng độ acid uric máu tăng cao có liên quan đến tốc độ suy giảm nhanh hơn của tốc độ lọc cầu thận và nguy cơ tiến triển bệnh thận mạn cao hơn.
Tỷ lệ acid uric/creatinin đang ngày càng được công nhận là một chỉ số có giá trị đối với chức năng thận và tiến triển bệnh thận mạn ở bệnh nhân ĐTĐ2. Tỷ lệ này cung cấp đánh giá toàn diện hơn so với chỉ riêng nồng độ acid uric máu. Tỷ lệ acid uric/creatinin cao hơn có liên quan đến kết quả thận kém hơn và giúp phát hiện sớm tình trạng suy thận.
Nghiên cứu của chúng tôi năm 2022 – 2023 trên 141 bệnh nhân ĐTĐ2 đến khám và điều trị tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho thấy nồng độ acid uric máu có giá trị tốt trong việc xác định tình trạng bệnh thận mạn, và tỷ lệ acid uric/creatinin có vai trò quan trọng đối với sự tiến triển của bệnh thận mạn ở bệnh nhân ĐTĐ2.
Như vậy, việc theo dõi nồng độ acid uric máu và tỷ lệ acid uric/creatinin ở bệnh nhân ĐTĐ2 là rất quan trọng. Đánh giá thường xuyên các chỉ số này có thể giúp phát hiện sớm bệnh thận mạn, cho phép can thiệp kịp thời để làm chậm tiến triển của bệnh. Tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống, chẳng hạn như chế độ ăn uống và tập thể dục, sẽ giúp kiểm soát nồng độ acid uric và đường máu hiệu quả.