Ngày 08/12/2023, tại Hội trường A – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra Hội thảo khoa học với chuyên đề “Xu hướng và các ứng dụng theo dõi bệnh nhân trong Hồi sức cấp cứu”.
Hội thảo lần này có sự tham dự của: TS.BS. Trương Dương Tiển – Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy; Ths.BS. Nguyễn Hồng Trường – Giảng viên Bộ môn Cấp cứu Hồi sức Chống độc của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực – Chống độc Bệnh viện Quận 11, Tp. HCM; TS.BS. Nguyễn Lương Kỷ – Trưởng khoa Hồi sức Tích cực – Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, còn có sự tham dự của gần 300 khách mời là các lãnh đạo, bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Y tế, phòng khám trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận gồm Ninh Thuận, Đăk Lăk, Phú Yên, Bình Định.
Có 3 bài báo cáo tại hội thảo và 3 phần hướng dẫn thực hành mô phỏng về nhận diện, phân tích và xử trí một số tình huống cấp cứu:
“Hệ thống nhận diện, đáp ứng diễn tiến lâm sàng bệnh nhân nằm viện, Ứng dụng ST-Map để phát hiện sớm và theo dõi thiếu máu cơ tim” (Báo cáo viên: ThS.BS. Nguyễn Hồng Trường).
“Ứng dụng theo dõi huyết động – PiCCO trên thiết bị máy theo dõi bệnh nhân Philips” (Báo cáo viên: TS.BS. Trương Dương Tiển).
“Tầm quan trọng của theo dõi và đánh giá EtCO2 trong hồi sức cấp cứu” (Báo cáo viên: TS.BS. Nguyễn Lương Kỷ).
Thực hành mô phỏng: Cảnh báo sớm phát hiện bệnh nhân nguy cấp, Phân tích và xử trí rối loạn nhịp cấp cứu, Cấp cứu ngưng tuần hoàn (Ths.BS. Nguyễn Hồng Trường, Ths.BS. Võ Thị Thúy An).
Sau khi tham gia học và áp dụng các kiến thức từ các bài giảng, người học đã nắm bắt được ứng dụng của sự theo dõi huyết động PiCCO trên monitoring chuyên sâu trong hồi sức huyết động. Việc đánh giá EtCO2 trong cấp cứu giúp bác sĩ đặt nội khí quản đúng, bảo đảm chất lượng cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp, nhận diện các tình huống diễn biến xấu khi bệnh nhân đang trong cuộc mổ hoặc đang thở máy. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ ST-Map nhằm phát hiện sớm bệnh nhân trở nặng và theo dõi thiếu máu cơ tim trong đánh giá tình trạng tim mạch.
Qua quá trình thực hành mô phỏng, người học đã áp dụng thành thạo các kiến thức đã học trên mô hình thực tế. Điều này giúp tăng cường sự an toàn, hiệu quả trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong và ngoài bệnh viện.