Viêm cơ tim cấp là bệnh ít gặp ở trẻ em, mỗi năm khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa chỉ có vài trường hợp, nguyên nhân thường gặp là do virus. Bệnh diễn biến nhanh, các triệu chứng không đặc hiệu, có tỉ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Từ đầu tháng 1/2019 đến nay, khoa Nhi bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận và điều trị 3 trường hợp viêm cơ tim cấp, trong đó có 2 trường hợp thể tối cấp có diễn biến phức tạp (trẻ 4 tháng và trẻ 9 tháng) với biểu hiện sốc tim đã được điều trị hồi sức tích cực với thông khí nhân tạo, điều trị suy tim cấp, gammaglobulin, kháng sinh kết hợp, điều chỉnh rối loạn thăng bằng toan kiềm và 1 trường hợp trẻ 4 tuổi viêm cơ tim cấp gây suy tim, rối loạn nhịp chậm được điều trị suy tim, chống loạn nhịp, gammaglobulin miễn dịch, kháng sinh phối hợp, oxy liệu pháp. Hiện tại tình trạng 3 trẻ bệnh đã ổn định và được xuất viện.
Viêm cơ tim cấp ở trẻ em thường mắc nhiều nhất là tuổi 3 tháng -24 tháng, hiếm hơn có thể gặp lứa tuổi sơ sinh hoặc trẻ lớn. Khác với người lớn, bệnh thường có biểu hiện cấp tính hoặc tối cấp, có thể gây đột tử, rối loạn nhịp chậm nhưng suy tim vẫn là biểu hiện thường gặp nhất. Mùa xuân và mùa hạ tỷ lệ mắc bệnh cao. Vai trò của virus trong tác nhân gây bệnh được nhiều tác giả đề cập, trong đó thường gặp nhất là Andenovirus và Coxsackie virus B. Bệnh rất nguy hiểm, song lại có các triệu chứng khởi đầu rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm sốt hoặc bị bỏ qua, và cuối cùng hậu quả của bệnh rất nặng nề, thậm chí tử vong. Vì thế, khi thấy trẻ chỉ cần có những dấu hiệu khác lạ so với bình thường, như quấy khóc, bỏ bú, nôn, tiêu chảy, nặng hơn là biểu hiện tím môi, da tái, tay chân lạnh, thở mệt …, Ở trẻ em một vài dấu hiệu như mệt nhiều, không chịu chơi, van đau ngực, thở mệt,… Nên đưa bé đi khám bệnh sớm. Tránh trường hợp cứ nghĩ đơn thuần con bạn chỉ bị cảm sốt, đến khi nhập viện thì đã quá nặng.
Hiện tại, bệnh chưa có thuốc chủng ngừa đặc hiệu, để giảm thiểu đến mức có thể nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, phụ huynh cần hạn chế để trẻ dưới 24 tháng tiếp xúc với người lớn đã mắc các bệnh liên quan đến siêu vi nhất là trong mùa dịch bệnh(ví dụ như hàng xóm hay người quen nào cũng có thể ẵm bồng, nựng nịu, chơi đùa với trẻ , đặc biệt là người đang ốm, có vấn đề về hô hấp (như sổ mũi, cảm…). Quan tâm chế độ dinh dưỡng cho trẻ với đầy đủ vitamin và khoáng chất; nên chủng ngừa các bệnh bạch hầu, sởi, Rubella, quai bị, cúm mùa… cho trẻ, cho trẻ mặc đủ ấm. Với trẻ đủ lớn, tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh về đường hô hấp hay tiêu hóa nhằm tránh bị lây nhiễm siêu vi.
BS. NGUYỄN NGỌC HUY – KHOA NHI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA