1. Vi rút HMPV là gì?
Vi rút HMPV viết tắt của Human Metapneumovirus là loại vi rút đường hô hấp phổ biến, thuộc họ Paramyxoviridae, phân họ Pneumovirinae trong chi Metapneumovirus (cùng nhóm với vi rút hợp bào hô hấp RSV), gây ra các triệu chứng cảm lạnh thông thường như hắt hơi, ho, sổ mũi, đau họng trong vài ngày. Trong một số trường hợp hiếm gặp, có thể phát triển triệu chứng nghiêm trọng hơn, đặc biệt ở những đối tượng có hệ thống miễn dịch yếu như trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Vi rút HMPV không phải là loại vi rút mới. Trên thực tế, vi rút HMPV đã được phát hiện từ những năm 2000 và là tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến, hầu hết trẻ em đều có khả năng nhiễm trùng vi rút này ít nhất một lần trước khi lên 5 tuổi. Theo ước tính, khoảng 10 – 12% các bệnh đường hô hấp ở trẻ em là do HMPV gây ra, trong đó có khoảng 5 – 16% trẻ sẽ phát triển thành nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi.
2. Vi rút HMPV lây lan như thế nào?
Giống nhiều loại vi rút khác trong họ Paramyxoviridae, HMPV lây lan qua các giọt bắn hô hấp khi người nhiễm ho, hắt hơi, chảy mũi nước, nói chuyện… Theo các chuyên gia, đây chính là con đường lây truyền vi rút HMPV chủ yếu ở người.
Ngoài ra, vi rút HMPV có khả năng tồn tại ở môi trường không khí bên ngoài trong một khoảng gian tương đối lâu, người bệnh có thể vô tình để lại vi rút sau khi tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt xung quanh. Chính vì thế, việc tiếp xúc với bề mặt hoặc đồ vật bị nhiễm vi rút rồi sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt cũng là con đường giúp vi rút xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
3. Đối tượng dễ nhiễm vi rút HMPV
Mặc dù bất kỳ ai cũng có khả năng lây nhiễm vi rút HMPV nhưng có một số đối tượng có yếu tố nguy cơ cao hơn, bao gồm:
– Trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 5 tuổi: Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi, là những đối tượng chịu tác động nặng nề nhất của HMPV. Ở độ tuổi này, hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ để chống lại các loại virus nguy hiểm. Hơn nữa, trẻ sơ sinh cũng chưa được tiếp xúc đủ với các loại vi sinh vật để xây dựng khả năng bảo vệ tự nhiên, khiến trẻ dễ bị nhiễm vi rút. HMPV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh hô hấp nghiêm trọng và có thể dẫn đến viêm phổi hay viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ, đặc biệt vào các mùa đông – xuân. Việc điều trị triệu chứng ở trẻ sơ sinh cần được giám sát kỹ lưỡng, vì vi rút này có thể khiến trẻ gặp phải biến chứng nguy hiểm nếu không được chú ý kịp thời.
– Người trên 65 tuổi: Tuổi tác càng cao, sức đề kháng tự nhiên của cơ thể càng suy giảm, khiến người cao tuổi dễ bị nhiễm trùng hơn ở mức độ nặng hơn. Trong trường hợp của HMPV, người trên 65 tuổi được coi là một nhóm yếu thế, không chỉ vì sức đề kháng yếu mà còn vì họ có thể mắc nhiều bệnh lý nền khác như bệnh tim, phổi hoặc tiểu đường. Khi bị nhiễm HMPV, khả năng bệnh chuyển biến thành viêm phổi hoặc gây suy hô hấp ở nhóm đối tượng này cao hơn đáng kể.
– Người bị hen suyễn sử dụng steroid: Người mắc bệnh hen suyễn vốn đã gặp phải tình trạng viêm mạn tính ở đường hô hấp. Việc sử dụng steroid – một loại thuốc kiểm soát hen suyễn phổ biến – có thể giúp giảm viêm nhưng lại vô tình làm suy yếu khả năng tự vệ của cơ thể trước các tác nhân gây nhiễm trùng như HMPV. Do đó, không ít bệnh nhân hen suyễn khi mắc HMPV sẽ gặp phải tình trạng bùng phát đợt cấp hoặc nặng hơn, cần can thiệp y tế.
– Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Người mắc bệnh COPD vốn đã phải đối mặt với tình trạng tổn thương nghiêm trọng ở các nhu mô phổi và đường thở, khiến phổi không thể hoạt động hiệu quả như bình thường. Khi thêm HMPV, bệnh nhân COPD thường trải qua các đợt cấp nghiêm trọng, làm suy giảm khả năng hô hấp và thậm chí gây tử vong. Các nhà khoa học nhận định HMPV là tác nhân kích thích chính dẫn đến tình trạng trầm trọng thêm ở bệnh nhân COPD trong mùa đông.
– Người có hệ thống miễn dịch suy yếu do các tình trạng như ung thư, HIV, những người đã được ghép tạng: Những người có hệ miễn dịch suy yếu, bao gồm bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa trị hoặc xạ trị, người nhiễm HIV, và người ghép tạng dùng thuốc ức chế miễn dịch, đều nằm trong nhóm nguy cơ rất cao nhiễm HMPV. Ở nhóm này, khả năng chống chọi của hệ thống miễn dịch với các tác nhân vi rút gần như bị “vô hiệu hóa”. Điều này khiến HMPV không chỉ gây bệnh ở mức độ nặng mà còn làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm như viêm phổi cấp tính hay nhiễm trùng lan rộng.
4. Triệu chứng khi nhiễm vi rút HMPV
HMPV thường gây ra các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường, bao gồm hắt hơi, sổ mũi, ho khan, đau họng và sốt nhẹ và nguy cơ diễn tiến nặng gây ảnh hưởng cả đường hô hấp dưới, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
4.1 Triệu chứng nhẹ
Trong hầu hết các trường hợp, vi rút HMPV thường gây ra các triệu chứng nhẹ tương tự như khi bị cảm lạnh thông thường, cụ thể như ho, sốt, nghẹt mũi, đau họng, thở khò khè, khó thở nhẹ, đôi khi phát ban đỏ… thậm chí có trường hợp không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Khi bị nhiễm vi rút HMPV nhẹ, người bệnh có khả năng hồi phục dần trong ít ngày (thường là 2 – 5 ngày) mà không cần can thiệp điều trị y tế hay nhập viện.
4.2 Triệu chứng nặng
HMPV không phải lúc nào cũng vô hại. Trong một số trường hợp nhất định, loại vi rút này có thể “leo thang” và gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới nghiêm trọng như viêm phổi hoặc làm trầm trọng thêm bệnh lý nền đã có sẵn, chẳng hạn như hen suyễn hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm trẻ nhỏ, người già và những cá nhân có hệ miễn dịch suy giảm hoặc bệnh phổi mạn tính.
Nhiễm vi rút HMPV có nguy cơ tiến triển thành bệnh nặng, ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới như viêm phế quản cấp tính, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Một số dấu hiệu cho thấy người bệnh đang bị viêm đường hô hấp dưới, bao gồm: Sốt cao, khò khè, ho có đờm đặc, khó thở, da tím tái, suy hô hấp… Nếu triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần hoặc ngày càng trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú.
5. Điều trị khi nhiễm vi rút HMPV
Hiện tại, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như thuốc kháng vi rút điều trị nhiễm HMPV. Hầu hết các trường hợp điều trị đều tập trung vào thuyên giảm triệu chứng cho đến khi cơ thể cảm thấy khỏe lên và hồi phục hoàn toàn.
Các phương pháp điều trị có thể được áp dụng bao gồm:
- Dùng thuốc giảm triệu chứng: Giúp giảm thiểu hay kiểm soát các triệu chứng do nhiễm vi rút HMPV gây ra.
- Liệu pháp oxy: Hỗ trợ khi bệnh nhân có suy hô hấp.
- Truyền dịch tĩnh mạch: Bù nước, điện giải đầy đủ cho bệnh nhân.
- Corticosteroid: Steroid có thể giúp làm giảm tình trạng viêm, hỗ trợ làm giảm một số triệu chứng…
- Có chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý, nhằm nâng cao sức đề kháng, thể trạng cho bệnh nhân.
6. Phòng ngừa nhiễm vi rút HMPV
Tính cho đến thời điểm hiện tại, vi rút HMPV vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó các biện pháp kiểm soát sự lây lan của vi rút đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để ngăn ngừa lây nhiễm vi rút HMPV và hạn chế lây lan của loại vi rút này, tất cả mọi người nên duy trì thực hiện các thói quen sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, chất khử khuẩn và nước trong ít nhất 20 giây;
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng nếu tay chưa được rửa sạch;
- Tránh tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh hoặc bị nghi ngờ nhiễm các bệnh đường hô hấp;
- Nếu cảm thấy bản thân có triệu chứng giống như cảm lạnh, nên thực hiện các hành động sau:
- Che miệng, mũi khi ho và hắt hơi;
- Rửa tay thường xuyên và đúng cách;
- Tránh dùng chung cốc, đồ dùng cá nhân với người khác;
- Không nên tiếp xúc gần với người khác;
- Nên cách ly tại nhà cho đến khi triệu chứng biến mất.
Tài liệu tham khảo
- American Lung Association. (n.d.). Human metapneumovirus (HMPV) symptoms, causes and risk factors. https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/human-metapneumovirus-hmpv/symptoms-diagnosis
- Human metapneumovirus (HMPV). (2024, May 1). Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22443-human-metapneumovirus-hmpv
- Jesse, S. T., Ludlow, M., & Albert. (2022). Zoonotic Origins of Human Metapneumovirus: A Journey from Birds to Humans. PMC Home. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC9028271/
- Sreenivas, S. (2024, December 17). Human metapneumovirus (HMPV). WebMD. https://www.webmd.com/lung/what-is-human-metapneumovirus
- Tambyah, P., Isa, M. S., & Tan, C. X.-T. (2019). 28 – New and Emerging Infections of the Lung. ScienceDirect.com. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B9780323448871000286