Giữa tháng 8, Bệnh viện (BV) Chấn thương – Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh chuyển giao một số kỹ thuật điều trị dị tật ở trẻ em cho Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng (BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa), trong đó có dị tật bỏng. Theo các chuyên gia, dị tật bỏng ở trẻ em cần được điều trị sớm, nếu không sẽ để lại di chứng nặng nề.
Di chứng do bỏng
Đưa con đi khám sàng lọc trong đợt này, chị N.T.M.L. (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) kể, cách đây 3 tháng, khi đang bò chơi trên nền nhà, con trai chị (13 tháng tuổi) làm đổ bình thủy làm bỏng 2 bàn tay. Chị L. đã đưa bé đến trạm y tế để điều trị, nhưng do không biết cách chăm sóc đúng trong quá trình điều trị, nên sau khi vết bỏng lành, các ngón tay của bé bị quặp và dần co rút lại, dính liền với lòng bàn tay, không cử động được.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám cho trẻ bị dị tật do bỏng
Bệnh nhi N.H.H. (3 tuổi, TP. Nha Trang) cũng có 2 ngón chân bị dính liền do vết sẹo bị bỏng gây nên. Chị T.T.M. – mẹ của bé H. cho biết, cách đây 4 tháng, bé nghịch đèn cầy đang cháy nên sáp của đèn đổ vào chân dẫn đến bỏng. Khi biết tin có đoàn BS ở TP. Hồ Chí Minh ra Nha Trang, chị M. đưa cháu đi khám để điều trị lại.
Theo Thạc sĩ, BS Phan Hữu Chính, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng, BV Đa khoa tỉnh, hiện nay, di chứng bỏng còn lại ở người lớn và trẻ em trong cộng đồng rất lớn. Những năm gần đây, khoa tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ bị sẹo dị tật co rút nặng do các di chứng bỏng gây ra. Nhiều vết bỏng gây ra tổn thương rất sâu. Có sẹo nằm ở các vùng liên quan đến vận động như: khớp ở cánh tay, chân, bàn tay… làm giới hạn chức năng các vùng này.
Sẽ chuyển giao dần
Tiến sĩ, BS Phan Đức Minh Mẫn, Phó Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình – Nhi (BV Chấn thương – Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh) cho biết, gần như 100% trẻ bị bỏng độ 3 (độ nặng nhất) đều dẫn đến tình trạng bị sẹo co rút, hiện tượng co rút thường diễn ra từ 6 đến 18 tháng sau điều trị. Di chứng do bỏng ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển của trẻ. Các vết sẹo bỏng khi co rút không những làm hạn chế sự phát triển của các cơ quan khu vực vết bỏng, mà khi trẻ lớn lên còn dẫn đến sự phát triển không cân đối các bên của cơ thể.
BS Phan Hữu Chính khuyên, khi thấy trẻ bị bỏng, phụ huynh cần loại bỏ tác nhân gây bỏng hoặc đưa trẻ tránh xa nơi có tác nhân gây bỏng; ngay lập tức đặt phần bỏng xuống dưới vòi nước máy trong 20 – 30 phút để làm mát, làm sạch, giảm nhiễm trùng tại vết bỏng. Ngoài ra, cần cởi bỏ quần áo ở những chỗ bị tổn thương; không bôi bất cứ thuốc hoặc hóa chất nào lên vết bỏng; giữ vết bỏng sạch, băng nhẹ vết bỏng bằng gạc vô khuẩn; đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa.
Những sẹo này nếu không phẫu thuật sớm sẽ làm biến dạng xương, mất chức năng của bàn tay, bàn chân nếu bị bỏng. Vì thế, những vết sẹo bỏng được điều trị càng sớm càng tốt. Phẫu thuật các dị tật do bỏng ở trẻ rất khó. Đối với các dị tật sẹo co rút nặng thì việc phẫu thuật để tái tạo lại càng phức tạp, phải phẫu thuật nhiều lần mới trả lại được chức năng như cũ cho trẻ. Ngoài ra, nếu phẫu thuật không khéo vẫn để lại dị tật. Đặc biệt, sau phẫu thuật, việc chăm sóc vết thương phải do BS chuyên khoa thực hiện, vì nếu chăm sóc không tốt vẫn để lại di chứng nặng nề.
Được biết, thực hiện Đề án 1816, BV Chấn thương – Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh đã chuyển giao nhiều kỹ thuật điều trị cho BV Đa khoa tỉnh. Năm nay, nội dung chuyển giao tập trung vào điều trị các dị tật cho trẻ, trong đó có dị tật do bỏng. Một năm 2 lần, BV Chấn thương – Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh sẽ cử BS ra BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa tiến hành phẫu thuật, vừa chuyển giao kỹ thuật. “BV sẽ chuyển giao từng bước vì điều trị dị tật cho trẻ, trong đó có sẹo bỏng rất phức tạp, vừa phẫu thuật vừa tạo hình nên đòi hỏi tay nghề BS phải cao, chuyên sâu về nhi. Các BS Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng BV Đa khoa tỉnh, đã tiếp nhận và triển khai tốt các kỹ thuật được chuyển giao, nhất là điều trị về chấn thương chỉnh; hình bỏng cho người lớn. Tuy nhiên, hiện nay, khoa chưa có BS chuyên sâu về nhi, các BS ở khoa đều kiêm luôn việc điều trị cho trẻ em và người lớn”, BS Mẫn nói.
T.L