Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa thực hiện ca phẫu thuật hi hữu lấy gần 100 cái răng của một bệnh nhân. Ngày 15/6/2019, bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn – Trưởng Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết các bác sĩ của BV tỉnh này phối hợp với Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công lấy ra gần 100 cái răng trong khối u ở hàm dưới bệnh nhân Hoàng Gia K. (13 tuổi, ngụ TP Nha Trang). Những chiếc răng nhỏ có đầy đủ thân răng, tủy răng và chân răng. Bệnh nhân K. được người nhà đưa đến BV đa khoa tỉnh Khánh Hòa khám và thực hiện chỉnh hình răng mọc lệch và chậm thay răng mới. Qua chụp X-quang, các bác sĩ của BV Khánh Hòa bất ngờ phát hiện có 1 khối u răng ở xương hàm dưới.
U răng với gần 100 chiếc răng nhỏ
Theo bác sĩ Tuấn, u răng (hay còn gọi Odontoma) là một trong những loại u lành tính ở xương hàm có nguồn gốc do răng, phổ biến thứ hai trên thế giới, chỉ sau u nguyên bào tạo men. U răng thuờng diễn tiến âm thầm, và ít bộc lộ các triệu chứng hay các dấu hiệu trên lâm sàng. Việc phát hiện u răng đa số trường hợp là do tình cờ chụp phim X-quang. Độ tuổi thuờng hay phát hiện u răng ở trẻ từ 13-15 tuổi, lứa tuổi vừa qua giai đoạn thay răng và dễ ghi nhận một số bất thuờng như răng sữa còn tồn tại hay răng vĩnh viễn nào đó không chịu mọc lên.
U răng được phân thành 2 loại: Compound odontoma và Complex Odontoma. Thuờng phân biệt rõ trên phim X-quang:
- Compound odontoma (U răng kết hợp) biểu hiện dưới dạng các khối cản quang có dạng các mẫu răng nhỏ, một hốc u răng có thể chứa từ vài chục đến vài trăm chiếc răng nhỏ li ti có kích thuớc từ chưa tới một mm đến vài mm, các chiếc răng tí hon này, phân biệt rõ đâu là men răng, ngà răng, tuỷ răng.
- Complex Odontoma (U răng hỗn hợp) biểu hiện là một khối cản quang có đậm độ khác nhau, không phân biệt được đâu là men răng, ngà răng.
U răng rất khó phát hiện, chỉ qua phim chụp X-quang mới có thể nhìn thấy. Nhiều bệnh nhân không phát hiện sớm và điều trị kịp thời dẫn đến u tiến triển lớn, gây khó khăn trong điều trị và có thể gây ra các biến chứng không mong muốn như gây gãy xương hàm bệnh lý, tổn thuơng đứt dây thần kinh…
U nguyên bào tạo men hay còn gọi là u men, là loại u lành tính ở xương hàm, có tính xâm lấn tại chỗ, và phát triển âm thầm. Tuy là u lành tính, nhưng u lại dễ tái phát. Việc điều trị u men rất phức tạp, tùy thuộc vào kinh nghiệm phẫu thuật và kiến thức về bệnh học của phẫu thuật viên.
Những chiếc răng nhỏ được phẫu thuật lấy ra từ khối u răng của bệnh nhân
BSCKII. Nguyễn Đức Tuấn