Khô mắt là một trong những bệnh lý về mắt phổ biến nhưng ít được nhắc đến ở người mắc đái tháo đường. Theo nghiên cứu, có đến 54% bệnh nhân đái tháo đường gặp phải tình trạng này. Khô mắt, hay còn gọi là hội chứng khô mắt (DES), viêm kết giác mạc khô, nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế, đây là một vấn đề nghiêm trọng, cần được quan tâm như bất kỳ biến chứng mắt nào khác của bệnh đái tháo đường.
Tình trạng này xảy ra khi mắt không sản xuất đủ nước mắt hoặc chất lượng nước mắt kém, dẫn đến khô rát, khó chịu và thậm chí có thể gây tổn thương mắt, ảnh hưởng đến thị lực.
Vì sao bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc khô mắt?
Lượng đường trong máu cao kéo dài có thể gây tổn thương dây thần kinh và tuyến lệ, ảnh hưởng đến quá trình tiết nước mắt, từ đó làm suy giảm chất lượng nước mắt và dẫn đến khô mắt. Một số giả thuyết giải thích mối liên hệ này bao gồm:
• Ảnh hưởng đến tuyến lệ: Đái tháo đường làm rối loạn chức năng tuyến lệ – nơi sản xuất nước mắt, khiến mắt không được bôi trơn đầy đủ.
• Suy giảm chức năng tuyến bờ mi: Các tuyến dầu ở mí mắt bị ảnh hưởng, khiến nước mắt bốc hơi nhanh hơn bình thường.
• Tổn thương dây thần kinh: Đường huyết cao có thể làm hỏng các dây thần kinh ở tuyến lệ và giác mạc, làm giảm phản xạ tiết nước mắt.
• Phản ứng viêm: Lượng đường cao kích thích phản ứng viêm, làm suy giảm chức năng tuyến lệ và ảnh hưởng đến chất lượng nước mắt.
Cũng như các biến chứng khác của bệnh đái tháo đường, việc kiểm soát tốt đường huyết (duy trì HbA1C dưới 7%) có thể giúp giảm nguy cơ mắc khô mắt.
Nguyên nhân gây khô mắt
Khô mắt không chỉ ảnh hưởng đến người mắc bệnh đái tháo đường mà còn có thể do nhiều yếu tố khác, bao gồm:
• Đường huyết cao kéo dài
• Tác dụng phụ của thuốc nhỏ mắt (đặc biệt là thuốc điều trị glôcôm)
• Tiếp xúc quá nhiều với màn hình điện tử
• Đeo kính áp tròng trong thời gian dài
• Phẫu thuật mắt (LASIK, phẫu thuật đục thủy tinh thể, v.v.)
• Bệnh lý mí mắt (lật mi, quặm mi, chàm da, v.v.)
• Môi trường khô, gió mạnh hoặc nhiều khói bụi
• Thay đổi nội tiết tố (đặc biệt ở phụ nữ mãn kinh)
• Tác dụng phụ của một số loại thuốc (thuốc trị cao huyết áp, dị ứng, mất ngủ, lo lắng, trầm cảm, v.v.)
• Các bệnh lý mãn tính khác (viêm khớp dạng thấp, bệnh tuyến giáp, lupus, v.v.)
Triệu chứng của khô mắt
Giai đoạn đầu của khô mắt thường không rõ ràng và dễ bị bỏ qua. Nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, bạn nên đi khám sớm. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm:
• Cảm giác châm chích, nóng rát ở mắt
• Mắt đỏ, đau, nặng mí mắt
• Nhìn mờ, khó tập trung khi đọc
• Mỏi mắt, khó mở mắt sau khi ngủ dậy
• Kích ứng khi tiếp xúc với gió hoặc khói
• Khó chịu khi đeo kính áp tròng
• Chảy nước mắt quá nhiều (đây là phản ứng bù trừ khi mắt bị khô)
Điều trị khô mắt ở bệnh nhân đái tháo đường
Theo Hội nghị Khô mắt Quốc tế lần thứ 2, phương pháp điều trị khô mắt cho người mắc và không mắc bệnh đái tháo đường không có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân đái tháo đường, kiểm soát đường huyết tốt là điều kiện quan trọng để ngăn ngừa và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
• Sử dụng nước mắt nhân tạo để bổ sung độ ẩm cho mắt
• Dùng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng, thuốc mỡ mắt theo chỉ định bác sĩ
• Chườm ấm, mát-xa mí mắt để kích thích tuyến bờ mi hoạt động tốt hơn
• Giảm sử dụng thiết bị điện tử, hạn chế điều hòa và quạt thổi trực tiếp vào mắt
• Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, bỏ thuốc lá
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc điều chỉnh miễn dịch hoặc chỉ định các thủ thuật như nút chặn điểm lệ để giúp giữ nước mắt lâu hơn trên bề mặt mắt.
Kết luận
Khô mắt là một biến chứng phổ biến nhưng dễ bị bỏ qua ở người bệnh đái tháo đường. Nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến thị lực và chất lượng cuộc sống.
Giải pháp quan trọng nhất vẫn là kiểm soát đường huyết, kết hợp với các phương pháp chăm sóc mắt phù hợp như sử dụng nước mắt nhân tạo, thay đổi lối sống và duy trì thói quen khám mắt định kỳ. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng khô mắt, đừng chần chừ – hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn và điều trị kịp thời!

BS. Huỳnh Thị Thanh Thảo – Khoa Mắt