Vào ngày 6 tháng 3 năm 2008, các chuyên gia về ung thư đại tràng vừa công bố một hướng dẫn mới về các xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng.
Hướng dẫn mới nhấn mạnh về mặt dự phòng do Hiệp hội Ung thư Mỹ (American Cancer Society), Liên hiệp hội về Hành động Phòng Chống Ung thư Đại trực tràng Mỹ (U.S. Multi-Society Task Force on Colorectal Cancer) và trường Khoa học X-quang Mỹ (American College of Radiology) cùng phối hợp thực hiện.
Đây là một khuyến cáo đơn giản nhất: Từ 50 tuổi trở lên, cần phải tầm soát ung thư đại tràng định kỳ. Nếu thuộc diện nguy cơ cao, cần phải bắt đầu tầm soát trước tuổi 50. Khuyến cáo này không mới, nhưng lại hay bị bỏ qua.
Ngoài ra, hướng dẫn này còn chia các xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng làm 2 nhóm – nhóm quan sát trong lòng đại tràng và nhóm thử nghiệm trên phân.
Nhóm xét nghiệm quan sát trong lòng đại tràng có thể phát hiện ung thư và polyps. Còn các xét nghiệm phân chủ yếu tập trung phát hiện ung thư, không dùng phát hiện polyps, theo nhận định của Hiệp Hội Ung Thư Mỹ.
Sau đây là khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ về 2 nhóm xét nghiệm nêu trên:
I- Nhóm xét nghiệm dùng tầm soát ung thư và polyps
Khi có yêu cầu tầm soát ung thư và polyps, Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo nên chọn dùng các xét nghiệm sau đây:
+ Soi đại tràng sigma bằng ống mềm mỗi 5 năm, hoặc
+ Soi đại tràng mỗi 10 năm, hoặc
+ Chụp cản quang-kép đại tràng mỗi 5 năm, hoặc
+ “Nội soi đại tràng ảo” (Chụp đại tràng bằng máy MSCT 64) mỗi 5 năm
Đây là lần đầu tiên mà nội soi đại tràng ảo được Hiệp hội Ung thư Mỹ chấp thuận đưa vào danh sách các xét nghiệm dùng để tầm soát.
II- Xét nghiệm phân
+ Khi muốn sử dụng xét nghiệm phân, đây là những chọn lựa được Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyên dùng.
+ Xét nghiệm máu ẩn phân dựa trên guaiac mỗi năm (guaiac-based fecal occult blood test =gFOBT) có độ nhạy cao với ung thư, hoặc
+ Xét nghiệm hoá miễn dịch phân mỗi năm (fecal immunochemistry test= FIT) có độ nhạy cao với ung thư, hoặc
+ Xét nghiệm DNA phân (Stool DNA test=sDNA) có độ nhạy cao với ung thư (khoảng cách lý tưởng giữa các lần xét nghiệm chưa xác định rõ)
Hiệp hội Ung thư Mỹ cũng lưu ý rằng các xét nghiệm phân ít nhạy hơn các xét nghiệm quan sát trong lòng đại tràng trong dự phòng ung thư. Ngoài ra các xét nghiệm phân cần được làm nhắc lại đều đặn. Nếu xét nghiệm phân phát hiện có máu, bịnh nhân cần được nội soi đại tràng.
III- Dành cho bệnh nhân
Giải thích về các xét nghiệm:
+ Nội soi đại tràng sigma bẳng ống mềm: Bác sĩ dùng một ống nhỏ, mềm có gắn camera nhỏ ở đầu để quan sát trực tràng và phần đại tràng thấp của bệnh nhân..
+ Nội soi đại tràng: Giống soi đại tràng sigma bẳng ống mềm, nhưng sẽ kiểm tra toàn bộ đại tràng.
+ Chụp đại tràng cản quang kép: Chụp cản quang phần bên trong của đại tràng.
+ Nội soi đại tràng ảo: Dùng MSCT 64 lát cắt để chụp hình phía trong đại tràng.
+ gFOBT: Tìm máu trong phân. Nếu có máu sẽ soi đại tràng kiểm tra.
+ FIT: Tìm máu trong phân, dùng kỹ thuật khác với xét nghiệm gFOBT . Nếu tìm thấy máu, bệnh nhân cần được soi đại tràng.
+ sDNA: Kiểm tra phân tìm DNA của ung thư đại trực tràng (colorectal cancer DNA) .