Khoa Ngoại Cột sống – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa từ năm 2015 đã áp dụng kỹ thuật bắt vít qua chân cung đốt sống cổ (CPS) điều trị cho nhiều bệnh lý vùng cột sống cổ như chấn thương, gù vẹo, ung thư, nhiễm trùng…
Phương pháp cố định cột sống bằng hệ thống vít bắt qua chân cung đốt sống, giới thiệu lần đầu bởi Roy-Camille vào năm 1970, là một bước đột phá trong ngành phẫu thuật cột sống. Vít chân cung cho thấy ưu điểm vượt trội về độ vững chắc so với các phương tiện cố định cột sống khác như chỉ thép, nẹp móc… và đến hiện nay vẫn được sử dụng rộng rãi, nhất là ở vùng cột sống ngực và cột sống thắt lưng – cùng.
Kỹ thuật CPS được mô tả lần đầu vào năm 1997 bởi Kuniyoshi Abumi cho kết quả ưu việt hơn về khả năng cố định vững chắc và nắn chỉnh các biến dạng so với kỹ thuật bắt vít khối bên – một phương pháp rất phổ biến để cố định cột sống cổ. Tuy nhiên, do đặc điểm giải phẫu phức tạp của đốt sống cổ mà kỹ thuật CPS ít được phổ biến bởi độ khó cũng như nguy cơ tai biến cao.
Ngày nay, cùng với sự tiến bộ khoa học kĩ thuật, có nhiều phương tiện hỗ trợ cho việc bắt vít chân cung cột sống cổ đạt hiệu quả cao như O-ARM, định vị trong mổ, khung in 3D… Tuy nhiên các phương tiện này lại không khả dụng ở Việt Nam do chi phí rất tốn kém.
Nhận thấy được những ưu điểm cũng như hạn chế của phương pháp này, Khoa Ngoại Cột sống đã nghiên cứu phát triển kỹ thuật bắt vít chân cung cột sống cổ sử dụng hình ảnh đo đạc trước mổ và thước đo góc trong mổ để nâng cao độ chính xác mà không cần các phương tiện hỗ trợ đắt tiền, giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân, hiệu quả và độ chính xác hơn 95%, không có tai biến liên quan. Cho đến nay, đã có trên 50 bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật này và cho kết quả tốt.