Bài viết này dựa vào chương trình của các đại học và trường y khoa (colleges of medicine) ở Hoa Kỳ (Canada cũng có chương trình tương tự). Tác giả xin dành chương trình ở Úc Châu, Âu Châu hoặc Á Châu cho các bác sĩ hoặc giáo sư y khoa ở những nơi liên hệ. Bác sĩ y khoa là một trong những nghề cao quý trong xã hội, đặc biệt là đối với xã hội Việt Nam. Thật vậy, khi biết con mình muốn theo đuổi ngành y, cha mẹ người Việt rất vui mừng, hãnh diện, khuyến khích và sẵn sàng hy sinh tiền bạc, thời giờ và công sức để giúp con mình thực hiện ước mơ đó. Nhưng làm thế nào để trở thành một bác sĩ? Ðoạn đường mà sinh viên phải vượt qua để trở thành một bác sĩ y khoa ở Hoa Kỳ không phức tạp, nhưng đầy gian khổ. Nó đòi hỏi người sinh viên hầu như phải “tài đức vẹn toàn”, nghĩa là chẳng những người sinh viên phải có một học bạ với điểm cao và điểm thi MCAT (Medical CollegeAdmission Test) cũng phải cao. Thêm vào đó, người sinh viên phải có những đức tính cần thiết cho một vị lương y.
I. Chương trình học
Một sinh viên muốn trở thành bác sĩ phải học hết chương trình đại học (4 năm), thi MCAT, nạp đơn xin nhập học đại học y khoa (phải viết luận văn và phỏng vấn). Nếu được nhận nhập học thì người sinh viên phải trải qua 4 năm học y khoa, thực tập (residency) 3, 4 năm. Nếu hội đủ điều kiện thì sẽ trở thành bác sĩ. Do đó, sau khi tốt nghiệp trung học, người sinh viên phải bỏ ra ít nhất 11 năm học để trở thành bác sĩ.
- Bốn năm đại học
Trên nguyên tắc, đại học y khoa Hoa Kỳ không đòi hỏi sinh viên dự tuyển vào trường y khoa phải học chuyên về một ngành (major) nào. Một điều kiện chung là thí sinh cần có căn bản về khoa học (vật lý, hoá học và sinh vật học: physics, chemistry and biology), toán (calculus), nếu biết thống kê (statistics) thì càng tốt. Ngoài ra, thí sinh cũng cần có khả năng Anh văn (verbal and writing) cao. Thêm vào đó, nếu thí sinh giỏi về các môn khác thì càng tốt. Mặc dù không bắt buộc, các thí sinh dự tuyển y khoa thường tham gia chương trình chuẩn bị y khoa (pre-medical programs). Chương trình này không phải là một ngành chính (major) vì các sinh viên trong chương trinh này có thể chọn lựa ngành chính mà mình thích (thí dụ như sinh vật học, vật lý , hoá học, toán, âm nhạc…), nhưng phải học các lớp (courses) căn bản để có đủ kiến thức thi MCAT và điều kiện mà các đại học y khoa đòi hỏi.
Theo Ðại Học Harvard, các sinh viên chuẩn bị vào đại học y khoa cần học các lớp sau đây:
- Hóa học tổng quát có thực nghiệm, một năm (general chemistry with lab)
- Sinh vật học có thực nghiệm, một năm (biology with lab)
- Hóa học hữu cơ có thực nghiệm, một năm (organic chemistry with lab)
- Vật lý học tổng quát có thực nghiệm, một năm (general physics with lab)
- Anh văn, một năm (English)
Ngoài ra, hơn 50 trường y khoa đòi hỏi một hoặc hai học kỳ (semesters) toán (college math, calculus, and/or statistics). Mười bốn đại học y khoa đòi hỏi một học kỳ về sinh hoá học (biochemistry). Mười bảy trường y khoa đòi hỏi sinh viên phải học một năm về sinh vật học (biology). Một vài trường y khoa cũng đòi hỏi sinh viên phải học tâm lý học (psychology) và xã hội học
(sociology).
Về điểm học trung bình (grade point average, GPA), các trường y khoa Hoa Kỳ không ấn định điểm trung bình tối thiểu phải có để được nhận học. Tuy nhiên, vì sự cạnh tranh (competition) cao giữa các thí sinh, thông thường, muốn được nhận vào một trường y khoa ở Hoa Kỳ, số điểm trung bình trong 4 năm đại học (B. A. or B. S.) ít ra cũng phải là 3.50/4.00. Có trường đòi GPA tối thiểu phải cao hơn 3.00. Nhưng GPA tối thiểu không bảo đảm để được nhận học. Do đó, các ứng viên vào đại học y khoa thường cố gắng có điểm trung bình càng gần 4.0 càng tốt.
- Ðiểm MCAT (Medical College Admission Test)
Vào năm thứ ba của chương trình đại học (junior year), sinh viên muốn nạp đơn xin vào trường y khoa sau khi tốt nghiệp B. A./B. S., phải thi MCAT. Bài thi này gồm có 4 phần (sections)
(a) Anh Văn (đọc/hiểu, lý luận) [Verbal reasoning/reading comprehension]
(b) Toán Lý-Hoá [chemistry & physics – physical sciences]
(c) Hoá học hữu cơ và sinh vật học [Organic Chemistry & Biology – Biological Sciences]
(d) Viết văn 2 đề luận văn [Wrting Sample – two essay questions]. Một bài thi khá là một bài thi có 10 điểm trở lên cho mỗi section (a), (b) và(c). [Ðiểm tối đa cho mỗi section là 15]. Tuy nhiên, thí sinh nào đạt được 15 điểm cho mỗi section phải là thần đồng, hoặc là người có thể đi trên nước (walk on water= do something that seems nearly impossible)].
II. Sinh hoạt ngoài học đường (Extra-curricular activities)
Một thí sinh y khoa cần có một thành tích đáng kể về các sinh hoạt ngoại học đường. Những sinh hoạt này gồm các công tác thiện nguyện như tình nguyện làm việc tại các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế khác, các công tác tình nguyện cho cộng đồng. Ngoài ra, các thi sinh cần có những sinh hoạt cá
nhân bền bỉ như thể thao, âmnhạc, v.v… Ðây là một yếu tố quan trọng mà người sinh viên muốn theo nghề bác sĩ y khoa cần lưu ý để chuẩn bị.
Ngoài ra, ứng viên y khoa cần chứng tỏ khả năng lãnh đạo (leadership), chẳng hạn như chủ tịch hoặc phó chủ tịch của ban đại diện sinh viên, chủ tịch của hội tiền y khoa (pre-medical society), v.v… Những thành tích về lãnh đạo có thể giúp ứng viên được chọn cho nhập học ở đại học y khoa.
III. Nạp đơn vào đại học y khoa
Sau khi thi MCAT, người sinh viên nạp đơn xin vào đại học y khoa qua trung tâm AMCAS (the American Medical College Application Service). Ðây là một cơ quan có nhiệm vụ cứu xét, tiến hành, và chuyển đơn, điểm MCAT, học bạ của sinh viên cho các trường y khoa mà sinh viên đó muốn xin
vào học. Trong đơn, người sinh viên phải chọn trường y khoa mà họ muốn xin nhập học (trung bình các sinh viên chọn khoảng 6 trường, hy vọng 1 trong 6 trường sẽ nhận cho nhập học). Ðơn xin nhập học phải gởi đi một năm trước khi nhập học trường y khoa (nghĩa là đơn phải gởi trễ lắm là vào năm thứ ba của đại học (junior year). Khi gởi đơn xin nhập học, người sinh viên phải đính kèm học bạ, điểm MCAT, thư giới thiệu và một luận văn.
1. Thư giới thiệu: Người viết thư giới thiệu (letters of recommandation) phải là giáo sư, bác sĩ mà sinh viên từng làm việc dưới quyền, hoặc vị hướng dẫn (supervisor) của người sinh viên trong lúc đương sự làm việc có lương hoặc tình nguyện tại một sở nào đó (thường liên quan đến vấn đề y tế
như bệnh viện hoặc các tổ chức liên quan đến sức khoẻ (health-related organizations).
2. Luận Văn (Essay): Trong bài luận văn này, người sinh viên cần giải thích tại sao mình muốn làm bác sĩ và xứng đáng là một bác sĩ. Thường sinh viên nên viết một câu chuyện đời tư của mình (personal story) một cách thành thật, nói lên động lực của ước vọng làm bác sĩ của mình.
3. Đơn xin nhập học II (second application): Khoảng 5 tuần sau khi nạp đơn qua AMCAS, nếu hội đủ điều kiện điểm trung bình (GPA) và điểm MCAT, cũng như luận văn khá, người sinh viên sẽ nhận được mẫu đơn thứ II từ một (hoặc nhiều) trường đại học y khoa mà người sinh viên muốn xin nhập
học. Trong đơn này, người sinh viên phải viết thêm một bài luận thứ II, và phải trả lời thêm một số câu hỏi mà nhà trường đã đặt ra. Trung bình người sinh viên phải nạp đơn thứ II trong vòng 3 tuần. Nếu trễ hạn, đơn sẽ bị khước từ.
4. Phỏng Vấn (interview): Trong cuộc phỏng vấn này, trường y khoa chú tâm vào bằng chứng về các hoạt động ngoài chương trình học vấn của người sinh viên (evidence of extracurricular activities), khả năng ăn nói (communicationskills), sự thấu hiểu và quan tâm đối với người khác
(empathy and concern for others), ý thức xã hội và chính mình (social-awareness and selfawareness), phán đoán và khả năng giải quyết vấn đề.
Cuộc phỏng vấn nầy rất quan trọng, nhà trường sẽ nhận hoặc từ chối đơn xin ghi danh nhập học của người sinh viên căn cứ trên cuộc phỏng vấn này.
IV. Chương trình đại học y khoa
Khi được nhận vào đại học y khoa, người sinh viên phải trải qua 4 năm học. Sau đây là một thí dụ của bốn năm y khoa lấy từ chương trình của School of Medicine, Virginia Commonwealth University thuộc tiểu bang Virginia. (Chưong trình của các đại học y khoa khác cũng tương tự, nhưng không hoàn toàn giống vì mỗi trường có chương trình riêng của họ).
1. Năm thứ nhất: (từ giữa tháng tám đến tháng sáu). Trong năm học đầu, các sinh viên sẽ học về cơ cấu, hoạt động, sự phát triển và tăng trưởng của con người. Các môn học gồm có:
Foundations of Clinical Medicine
Medical Bioethics
Population Medicine
Medical Biochemistry
Human Genetics
Gross & Developmental Anatomy
Physiology
Histology
Behavioral Sciences
Immunology
Neurosciences
2. Năm thứ hai: Trong năm học này (từ tháng tám đền cuối tháng năm), sinh viên sẽ học về bệnh lý học trong cách chữa trị các căn bệnh. Các sinh viên đều phải ghi danh học các lớp sau đây:
Foundations of Clinical Medicine
Medical Bioethics
Pharmacology
Pathogenesis
Microbiology
Hematology/Oncology
Endocrine
Renal
Respiratory
Cardiovascular
Behavioral Sciences II
Central Nervous System
Women’s Health
Gastrointestinal
Musculoskeletal
3. Năm thứ ba: Trong năm học này, các sinh viên sẽ được huấn luyện trong các bệnh viện, phải tham gia tập sự (clerkships) các ngành sau đây:
Internal Medicine (12 weeks)
Surgery (8 weeks)
Pediatrics (8 weeks)
OB/GYN (6 weeks)
Psychiatry (6 weeks)
Neurology (4 weeks)
Family Medicine (4 weeks)
4. Năm thứ tư: Ðây là năm tự do lựa chọn (elective year). Trường có 232 lớp để sinh viên chọn lựa (electives). Mỗi lớp kéo dài 4 tuần. Nhằm đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân sinh viên, nhà trường dành cho sinh viên quyền lựa chọn các môn theo sở thích. Mục đích của chương trình này là cho
phép sinh viên theo đuổi mục tiêu của mình mà không phải theo một chương trình định sẵn, đồng thời giúp sinh viên chưa có quyết định chọn ngành mình theo đuổi có cơ hội tìm kiếm ngành chuyên môn. Năm học này được chia ra làm 9 kỳ (periods), mỗi kỳ kéo dài 4 tuần. Các sinh viên phải luân phiên
tại Medical College of Virginia of Fairfax Inova Campus để thực tập, cập nhật hoá các khoa học căn bản và y khoa bệnh viện (Update of Basic Science and Clinical Medicine) và hoàn tất lớp Step 2 Board Reviews.
Ngoài ra, các sinh viên y khoa phải thi kỳ thi lấy giấy phép hành nghề tại Hoa Kỳ cấp 1 (U.S. Licensing Examination (USMLE) step 1) vào cuối năm thứ 2, trước khi vào học năm thứ 3. Nếu đậu kỳ thi USMLE 1, người sinh viên sẽ được lên học năm thứ ba. Nếu rớt kỳ thi này, người sinh viên phải tạm ngưng môn lựa chọn để học thi lại. Sau khi đậu USMLE1 và học xong năm thứ ba, các sinh viên phải thi lấy giấy phép hành nghề tại Hoa Kỳ cấp 2 (USMLE step 2). Các sinh viên phải đậu USMLE 2 mới được ra trường với bằng MD.
Các sinh viên không đậu USMLE 2 trong vòng một năm sẽ không được cấp bằng MD và bị trục xuất khỏi trường.
V. Bác sĩ tập sự (Medical Residents)
Sau khi tốt nghiệp với văn bằng MD (Doctor of Medicine), trước khi được phép hành nghề, các sinh viên vừa tốt nghiệp cần phải trải qua một thời kỳ huấn luyện ít nhất 3 năm tại một bệnh viện. Vị bác sĩ tập sự này được gọi là “resident”, có trách nhiệm đối với bệnh nhân của mình dưới sự giám
sát của một bác sĩ thực thụ (attending physician). Thời gian tập sự (residency) thường kéo dài 3 năm (có lương căn bản khoảng $40,000 đến $50,000/năm). Có một số ngành chuyên môn đòi hỏi phải tập sự đến 8 năm mới có thể được cấp giấy phép hành nghề (to be licensed to practice). Trong
thời gian thực tập, người bác sĩ này phải thi đậu kỳ thi lấy giấy phép hành nghề tại Hoa Kỳ cấp 3 (USMLE Step 3) để được phép hành nghề ở tiểu bang (to be state-certified for practice of medicine)
VI. Lời cuối cho sinh viên và phụ huynh
1. Cùng các bạn trẻ
Tuổi trẻ, có rất nhiều người ước mơ trở thành bác sĩ để cứu người. Tuy nhiên, muốn trở thành một bác sĩ, người sinh viên phải trải qua một giai đoạn huấn luyện cực nhọc và khó khăn để bảo đảm trong tương lai có thể đảm nhận trách nhiệm quan trọng của một y sĩ.
Nhiều bạn cố gắng trở thành một bác sĩ vì đây là một nghề cao quý để “cứu nhân độ thế” cũng như được quý trọng trong xã hội (nhất là xã hội VN). Trong chiều hướng đó, thiết tưởng cũng nên nhắc rằng, không phải chỉ làm bác sĩ mới có thể thực hiện được ước mơ trên. Cho nên, bạn cần phải tự
hỏi có thật sự mình muốn trở thành một bác sĩ hay không? Là một bác sĩ, bạn phải làm việc rất nhiều giờ và cực khổ, bạn phải đối phó với nhiều bệnh nhân khó tánh, và cuộc sống của bạn sẽ gắn liền với cái sinh tử của người khác. Bạn phải có khả năng bình tĩnh để quyết định trong tình trạng
khẩn cấp. Do đó, bạn cần suy nghĩ cẩn thận trước khi bước vào con đường học vấn dài hạn (ít nhất là 11 năm hậu trung học). Ðể biết mình phù hợp với nghề bác sĩ y khoa hay không, bạn cần làm những công tác thiện nguyện tại các bệnh viện, các phòng cứu cấp để trải qua các kinh nghiện khó khăn, những cảnh máu và nước mắt, những quyết định của bác sĩ trong tình trạng nguy ngập, cũng như những cuộc mổ xẻ quan trọng, mệt mỏi và căng thẳng. Chính vì thế, các trường y khoa rất quan tâm đến quá trình công tác thiện nguyện của bạn.
Sau khi trải qua các kinh nghiệm qua các công tác thiện nguyện, nếu bạn vẫn còn theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ, bạn phải cố gắng hết sức mình dù bạn là người rất thông minh, bởi vì có rất nhiều sinh viên khác cũng thông minh như bạn. Hằng năm, hàng chục ngàn sinh viên phải tranh nhau để được nhận vào các đại học y khoa và số sinh viên được nhận nhập học thì chỉ giới hạn.
Như đã đề cập từ đầu, con đường đi để trở thành một bác sĩ y khoa khá dài và đầy gian khổ. Bạn nên biết rằng mức cạnh tranh để được nhận học rất cao (extremely competitive). Thí dụ, Harvard Medical School chỉ nhận 6.9% sinh viên nạp đơn xin học khoá 2014. Nghĩa là, 100 sinh viên nạp đơn
xin học, chỉ có khoảng 7 sinh viên được nhận vào khoá 2014. Tỷ số nhận học trung bình hằng năm (average annual acceptance rate) của College of Medicine, University of North Carolina at Chapel Hill là 3%. Các sinh viên được lựa chọn không những phải học giỏi, thông minh mà còn phải được
phát triển trên nhiều phương diện (well-rounded = fully / broadly developed). Học giỏi chỉ là một trong những yếu tố cần thiết, nhưng không phải là yếu tố đủ để được chọn vào học ngành y khoa.
2. Cùng các vị phụ huynh
Nhiều người trong quý vị ước mơ con mình được trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, không phải bất cứ một sinh viên giỏi nào cũng có thể trở thành bác sĩ. Kinh nghiệm cho thấy có một số sinh viên xuất sắc, nhưng không bao giờ được nhận vào các trường y khoa vì lý do “đương sự không thích hợp” với thiên chức y sĩ (biểu lộ qua các cuộc phỏng vấn hoặc luận văn). Có nhiều cha mẹ nghĩ rằng nếu làm bác sĩ con mình sẽ có nghề nghiệp vững chắc và làm ra tiền để bảo đảm tương lai, cũng như có danh dự trong xã hội. Quan niệm này không chính xác vì có nhiều ngành, nghề khác cũng giúp cho ta đạt được mục tiêu vừa kể. Nhiều người rất thành đạt với luật khoa (Law) hoặc quản trị kinh doanh (MBA, Master of Business Administration) hay tài chánh (Finance).
Bác sĩ y khoa chỉ thích hợp cho những ai luôn hy sinh bản thân cho người khác. Một bác sĩ ham danh, háo lợi là một tệ trạng của xã hội. Và vì thế giới bất toàn, ta vẫn thấy có những thành phần xấu trong giới y khoa. Chính vì thế mà trường y khoa luôn dè dặt trong việc thu nhận sinh viên.
Tóm lại, các vị phụ huynh chớ nên thất vọng khi con em mình không được nhận học hoặc không tiếp tục theo ngành y khoa. Ðặc biệt là các phụ huynh không nên ép buộc con em. Ép buộc sẽ không có kết quả mà đôi khi gây ra những khó khăn không cần thiết trong gia đình.