Lao xương khớp là một dạng lao ngoài phổi phổ biến, chỉ đứng sau lao màng phổi và lao hạch. Đây là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến hệ thống xương khớp. Thông thường, bệnh không xuất hiện ngay lập tức mà là hậu quả của lao phổi trước đó. Vi khuẩn có thể lan theo đường máu hoặc bạch huyết và khu trú tại xương, gây tổn thương nghiêm trọng.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nhóm 20-40 tuổi dễ mắc hơn cả. Các vị trí thường bị ảnh hưởng là cột sống, khớp háng và khớp gối, khớp cổ tay. Lao xương có thể xảy ra đơn lẻ hoặc lan rộng, gây ảnh hưởng nhiều khu vực trong cơ thể.
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh tiến triển âm thầm ở giai đoạn đầu nên dễ bị bỏ sót. Khi bệnh phát triển, các dấu hiệu sau có thể xuất hiện:
Triệu chứng toàn thân:
- Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.
- Sốt nhẹ vào buổi chiều, đổ mồ hôi đêm.
- Da xanh xao.
Triệu chứng tại chỗ:
- Đau xương, đau tăng về đêm.
- Sưng cứng tại vị trí bị tổn thương nhưng không có dấu hiệu viêm nhiễm rõ rệt.
- Xuất hiện áp xe lạnh chứa dịch hoại tử.
- Biến dạng cột sống, gù lưng nếu lao cột sống tiến triển nặng.
Đường lây nhiễm
- Qua hô hấp: Nếu bệnh nhân mắc lao phổi kèm theo, vi khuẩn có thể phát tán ra môi trường.
- Qua vết thương hở hoặc niêm mạc: Vi khuẩn có thể xâm nhập khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ bệnh nhân.
- Từ mẹ sang con: Vi khuẩn có thể truyền qua nhau thai hoặc trong quá trình sinh nở.
Đối tượng có nguy cơ cao
- Người trong độ tuổi 20-40.
- Những người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao.
- Người có tiền sử mắc lao.
- Trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine BCG.
- Người suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, tiểu đường, suy dinh dưỡng,…).
Biến chứng nguy hiểm
Nếu không được điều trị kịp thời, lao xương khớp có thể dẫn đến:
- Liệt chi do tổn thương thần kinh.
- Biến dạng xương, gù vẹo cột sống.
- Lan rộng đến các cơ quan khác như phổi, màng não.
- Giới hạn vận động khớp, teo cơ.
Chẩn đoán
- X-quang, CT, MRI giúp xác định mức độ tổn thương xương.
- Xét nghiệm Mantoux, xét nghiệm máu và sinh thiết xương để tìm vi khuẩn lao.
- Chọc hút dịch ổ áp xe để xét nghiệm vi khuẩn.
Điều trị lao xương khớp
- Dùng thuốc kháng lao: Điều trị kéo dài từ 6-18 tháng, sử dụng phác đồ kết hợp nhiều loại thuốc.
- Nghỉ ngơi hợp lý: Giai đoạn đầu bệnh nhân cần hạn chế vận động, sau đó tập phục hồi chức năng.
- Nẹp hoặc kéo giãn: Áp dụng trong một số trường hợp để duy trì cấu trúc xương.
- Phẫu thuật: Chỉ định khi có biến chứng nặng như áp xe lớn, chèn ép tủy sống, biến dạng xương.


BSCKII. Phạm Đình Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình- Bỏng, BVĐK tỉnh Khánh Hòa, cho biết:
Lao xương khớp là một bệnh lý nghiêm trọng nhưng có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ điều trị. Việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp bệnh nhân tránh được các biến chứng nguy hiểm và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Một số biện pháp phòng ngừa bệnh lao xương khớp:
- Dinh dưỡng đầy đủ giúp tăng cường hệ miễn dịch.
- Tiêm vaccine BCG để phòng ngừa lao.
- Tránh tiếp xúc với nguồn lây, đeo khẩu trang khi cần.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
- Tuân thủ điều trị nếu mắc lao để tránh lây lan.
BSCKII. Phạm Đình Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng