Bệnh thận mạn là một bệnh thường gặp với tần suất cứ 10 người thì có 1 người mắc bệnh. Ước tính đến năm 2040, căn bệnh này là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong nhiều nhất trên toàn thế giới.
Bệnh thận mạn giai đoạn cuối – bênh thận mạn giai đoạn 5 là giai đoạn nặng nhất của bệnh thận mạn khi mức lọc cầu thận (GFR) < 15mL/ph/1,73 m2 và tình trạng này sẽ gây tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị thay thế thận.
Những bệnh nhân này được chỉ định điều trị thay thế thận với 3 phương pháp là ghép thận, lọc màng bụng và thận nhân tạo. Ghép thận có thể xem là giải pháp tối ưu cho bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Tuy nhiên phương pháp điều trị này rất phức tạp và tốn kém nhiều chi phí nên người bệnh khó tiếp cận.
Thận nhân tạo là một phương pháp thay thế thận được thực hiện bởi nhân viên y tế và cuộc sống bệnh nhân sẽ gần như gắn liền với bệnh viện. Ngoài ra bệnh nhân cũng đối mặt với nhiều nguy cơ như nhiễm vi rút, tai biến về tim mạch, tình trạng sức khoẻ không ổn định, nên cần có sự cân nhắc kĩ lưỡng của bác sĩ lâm sàng.
Với ưu thế tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỉ lệ tử vong và không cần nhập viện nên lọc màng bụng là lựa chọn tối ưu cho bệnh nhân suy thận mạn cần thay thế thận trong giai đoạn hiện nay.
Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (HSTC-CĐ) là một chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, là một trong năm cơ sở lọc màng bụng lớn trong nước. Hiện tại Khoa HSTC-CĐ đang quản lý gần 500 bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong đó có 146 bệnh nhân được điều trị với phương pháp lọc màng bụng.
Báo cáo về lọc màng bụng cũng là một trong những chủ đề của Khoa HSTC-CĐ tham dự Hội nghị Nội khoa do Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa tổ chức vào tháng 7/2024.