Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, mỗi lít hóa chất được pha với 10 lít nước để phun phòng, diệt muỗi vằn gây sốt xuất huyết (SXH). Tuy nhiên ở Khánh Hòa, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phải pha hàm lượng gấp đôi vì loài muỗi vằn ở đây đã có dấu hiệu kháng thuốc.
Muỗi vằn đã kháng thuốc
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, dịch SXH trên địa bàn tỉnh đã đến mức báo động, các ca mắc SXH tăng nhanh. Trong đó, TP. Nha Trang có số ca mắc SXH nhiều nhất với 935 ca trong tổng số hơn 3.300 ca trên toàn tỉnh.
Ông Hải cho rằng, hầu như năm nào TP. Nha Trang cũng có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh là do tập trung đông dân nhập cư, rất khó thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, phun thuốc diệt ổ dịch. Ở các phường: Phước Long, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hải, Vĩnh Trường… có khá đông lao động tự do nhập cư, ít quan tâm vấn đề vệ sinh dịch bệnh, sáng đóng cửa đi làm đến tối mới về nên cán bộ y tế không thể vào nhà để phun thuốc diệt lăng quăng và muỗi vằn. Khi các ổ dịch không được tiêu diệt triệt để sẽ lây lan sang các khu vực khác.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh lưu hành cả 4 tuýp vi rút D1, D2, D3, D4 nên rất khó tiêu diệt. Không chỉ vậy, theo ông Hải, theo chuẩn của Bộ Y tế, mỗi lít hóa chất được pha với 10 lít nước để phun diệt muỗi. Tuy nhiên, do muỗi vằn ở Khánh Hòa đã kháng thuốc, nên hiện tại phải áp dụng tỷ lệ mỗi lít hóa chất pha với 5 lít nước, có khu vực mỗi lít pha với 4 lít nước. “Viện Pasteur thí nghiệm phun thuốc vào lồng muỗi ở các tỷ lệ, tỷ lệ nào muỗi chết 100% thì họ khuyến cáo Trung tâm Y tế dự phòng phun theo tỷ lệ đó”, ông Hải nói.
Cần có sự phối hợp
Sáng 20-10, nhiều người dân ở đường Hoàng Diệu (TP. Nha Trang) bất ngờ khi thấy xe phun thuốc diệt muỗi vừa chạy vừa xịt vào vỉa hè ven đường. Nhiều người đang ngồi ăn sáng ở quán vỉa hè bị thuốc diệt muỗi phun cả vào người, bay vào đồ ăn. Bà Trần Thị Trinh Mai (phường Phước Long) bức xúc: “Khoảng 7 giờ, khi tôi đang ngồi ăn sáng ở đường Hoàng Diệu thì xe chạy ngang qua, xịt thuốc bay cả vào người, đồ ăn, mùi rất khó chịu. Có nhiều người bị như tôi…”. Trong khi đó, bà Phạm Thu Phương, chủ quán ăn sáng trên đường Hoàng Diệu cho biết: “Khi xe phun thuốc xịt thẳng vào quán, nhiều khách rất khó chịu, có người đứng dậy phản ứng. Tôi không hề được thông báo là sáng nay sẽ có xe phun thuốc diệt muỗi chống SXH nên không kịp chuẩn bị đồ bảo vệ, đậy đồ ăn lại”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hải thừa nhận, trong thuốc diệt muỗi chắc chắn có độc, đặc biệt ở Khánh Hòa hàm lượng thuốc cao gấp đôi chuẩn của Bộ Y tế. Theo quy định, trước thời điểm phun một ngày, địa phương có trách nhiệm thông báo cho người dân biết lịch trình phun thuốc để họ không phơi, bán đồ ăn ở vỉa hè, di dời các lồng nuôi loài vật có cánh, di tản những người có tiền sử dị ứng với thuốc khỏi khu vực phun.
“Biết phun thuốc diệt muỗi sẽ có ảnh hưởng tới sức khỏe con người, bất đắc dĩ mới phải phun thuốc. Vì vậy, địa phương phải thực hiện nghiêm túc việc thông báo cho các hộ dân, các hộ dân cũng phải nghiêm túc chấp hành quy định để hạn chế ảnh hưởng của thuốc diệt muỗi tới cộng đồng dân cư”, ông Hải cho hay.
Theo báo KH