BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA KHỞI SẮC
Cuộc đời con người quá ngắn để làm việc và cống hiến có lẽ hoàn toàn đúng với người Thầy của chúng tôi, cố Bs Võ Văn Châu, người đặt nền móng vững chắc và giúp ngành CTCH – BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa phát triển được như ngày hôm nay.
Những tháng cuối năm 1993, khi vào Trung tâm CTCH Tp. HCM ( nay là BV CTCH Tp. HCM ) để học sơ bộ về chuyên khoa CTCH, tôi hân hạnh được gặp, học hỏi và làm việc với thầy Châu từ những ngày đầu chập chững đó cho đến khi Thầy ra đi mãi. Một người Thầy rất bình dị với khuôn mặt nhân hậu và trầm tính; miệt mài nghiên cứu và làm việc tại chuyên khoa khó nhất cuả ngành CTCH là vi phẫu thuật và bàn tay trong điều kiện y tế vô cùng khó khăn chỉ với trang thiết bị lạc hậu của kính hiển vi, chưa có chỉ phẫu thuật và dụng cụ trong vi phẫu. Bằng tri thức và nghị lực vượt lên trên mọi khó khăn,Thầy đã góp phần vực dậy ngành vi phẫu tp. HCM nói riêng và cả nước nói chung trong giai đoạn đó. Năm 1991, Thầy là người phụ trách và sáng lập”đơn nguyên vi phẫu thuật” đầu tiên trên cả nước tại BV CTCH tp.HCM; thực hiện nối các ngón tay,ngón chân đứt lìa đầu tiên ở miền Nam; được cấp bằng “sáng chế quốc gia 1987 về chỉ trong vi phẫu thuật”… và là người tiên phong khai phá ngành vi phẫu thuật đầy gian nan.
Trong thời gian học sơ bộ chuyên khoa,là một bác sĩ vừa ra trường, tôi còn quá trẻ để nhìn nhận được thấu đáo về mọi vấn đề,chính Thầy là người đã chỉ dạy và là tấm gương lớn để tôi học hỏi nhiều điều quan trọng không những về chuyên môn mà cả những điều trong cuộc sống để trưởng thành hơn về mọi mặt. Là một người thầy thuốc toàn tâm toàn ý dành cho bệnh nhân và nhiệt tình trong công việc, chưa bao giờ tôi thấy Thầy to tiếng với ai, luôn ân cần,vui vẻ giải đáp mọi thắc mắc của bệnh nhân hay bất cứ người nào; luôn nhẹ nhàng hướng dẫn, giúp đỡ tận tình đồng nghiệp; nhờ sự dẫn dắt của Thầy mà nhiều Bác sĩ đã có học hàm, học vị rất cao.
Cuộc đời cũng có vài thời khắc định mệnh, tháng 7/1999,Thầy đến Nha Trang và ghé thăm chúng tôi , khi đó ngành CTCH của BV Khánh Hòa còn đơn sơ.
Tôi lại được gặp Thầy trong 2 năm học cao học 2000 – 2002, khi đó tôi thật sự được tiếp cận nhiều hơn về Thầy. không những Thầy luôn truyền đạt, trau dồi chuyên môn cho tôi mọi lúc mọi nơi nếu có thể mà đối với tôi Thầy còn là tự điển sống về mọi mặt xã hội, thơ ca, võ thuật….
Chính thức từ tháng 4/ 2003, Thầy đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa làm việc theo từng đợt: khám bệnh, giảng dạy và phẫu thuật. Lúc đó chúng tôi gọi là ” chuyển giao kỹ thuật”, “cầm tay chỉ việc”…. mà sau này Bộ Y tế có nghị định 1816 với nội dung gần như vậy.
Liên tục 10 năm tiếp sau, Thầy vẫn đều đặn đến với BV tỉnh Khánh Hòa để giúp đỡ chúng tôi phát triển chuyên môn.Cứ một năm từ 2 đến 5 đợt rất đều đặn, dù có 2 lần trong khoảng thời gian này, Thầy bệnh rất nặng, rất gần kề với cái chết nhưng sau khi phục hồi sức khỏe, Thầy vẫn lên đường đến với tuyến dưới dù tuổi đã quá 60. Từ những thành công bước đầu mà Thầy đã tạo dựng cho BV Khánh Hòa, nhờ đó chúng mới đã tự tin hơn và tiếp nhận nhiều đoàn chuyển giao kỹ thuật khác từ các chuyên gia hàng đầu trong nước cũng như quốc tế như nội soi khớp, thay khớp, phẫu thuật kết hợp xương phức tạp, chỉnh hình nhi, bỏng , tạo hình….Cũng chính Thầy là cầu nối để PGS.Ts.Bs Võ Văn Thành – nguyên Chủ tịch hội CTCH Việt Nam, chủ tịch Hội cột sống Tp,HCM… đến và giúp đỡ ngành cột sống Khánh Hòa thành công vượt bậc.
Qua 27 đợt Thầy ra với chúng tôi, chưa bao giờ Thầy đòi hỏi phải đi bằng máy bay,phải ở chỗ nào, ăn gì…Thầy chỉ quan tâm đến việc sáng nay mổ gì, bao nhiêu tiếng mà phải ăn cơm hay xôi cho thật chắc bụng vào mổ 9 – 12 giờ cho một ca liệt tùng thần kinh, đây là những kỷ niệm không bao giờ quên với chúng tôi và cả nhân viên phòng mổ, Thầy chỉ uống sữa hay nước vào giữa cuộc mổ qua ống hút vô trùng là một dây dịch truyền, trong khi chúng tôi – người đói bụng , kẻ mỏi chân nhưng vẫn vui cười theo Thầy cho hết ca mổ. Có nhiều hôm Thầy lên đường về lại Đà lạt hay Tp. HCM mà không kịp ăn vì vừa mổ ra, chúng tôi phải mang cơm hộp và nước lên xe hay tàu cho Thầy, ngậm ngùi nhìn tàu, xe lăn bánh mà lòng nghẹn ngào thương Thầy, Người dành hết thời gian và công sức cho bệnh nhân, cho thế hệ sau.
Thầy khám tỉ mỉ cho từng bệnh nhân, giảng dạy cho chúng tôi từng triệu chứng, từng bệnh mà với cả lịch sử bệnh đó từ nhiều thế kỷ trước và hiện nay như thế nào. Từ những điều tưởng rằng đơn giản nhất của các bệnh cơ xương khớp, đến những phẫu thuật khó nhất trong y khoa là liệt đám rối thần kinh, nhất là trong điều kiện Việt Nam còn thiếu nhiều trang thiết bị và hệ thống vật lý trị liệu sau mổ. Năm tháng cứ qua đi, không những chúng tôi mà nhiều bệnh nhân không chỉ của riêng tỉnh Khánh Hòa mà cả những tỉnh xung quanh đều trông mong Thầy đến Bệnh viện Khánh Hòa để được học hỏi,được khám và phẫu thuật vì lịch mổ của Thầy ở Tp. HCM rất dày,nhiều bệnh nhân có lịch hẹn mổ phải đợi trên 1 năm.
Tháng 6/2005 , Thầy mở lớp căn bản vi phẫu thuật đầu tiên ngoài BV CTCH Tp HCM là tại BV Đa khoa Khánh Hòa, Thầy đã để lại mạng lưới vi phẫu thuật khắp miền Trung, miền Nam, mang lại tri thức cho thầy thuốc và lợi ích cụ thể cho bệnh nhân được cấp cứu và phẫu thuật đúng qui trình mà trước đây chỉ có BV lớn, tuyến cao mới làm được.
Sau nhiều năm nhìn lại, ngành CTCH của BV Đa khoa Khánh Hòa đã có những tiến bộ rõ rệt, được đánh giá cao trong nước và bạn bè quốc tế. Chúng tôi tham gia vào Ban chấp hành các hội chuyên khoa CTCH của khu vực và trong nước, nhiều đề tài khoa học của Khoa CTCH được báo cáo luôn có dấu ấn rõ nét của Thầy như vi phẫu thuật, phẫu thuật bàn tay, điều trị bảo tồn trong cơ xương khớp…
Những thành quả của chuyên ngành CTCH tại BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đạt được đến ngày hôm nay như luôn tiếp cận các kỹ thuật mới , phương pháp mới, tự tin hợp tác với các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. tiếp nhận và triển khai tốt các phương pháp chẩn đoán và phẫu thuật mới tại Tỉnh nhà, mang niềm tin, lợi ích đến với bệnh nhân trong và ngoài Tỉnh đều luôn có công sức của Thầy- Cố Bs Võ Văn Châu sau bao năm gầy dựng.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2014, chúng tôi xin tỏ tấm lòng biết ơn Thầy, người Thầy dù đã đi xa nhưng vẫn luôn tồn tại mãi trong lòng chúng tôi và cũng rất tâm linh Thầy ra đi đúng ngày sinh nhật thứ 7 của Khoa CTCH BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa 12/6/2013.
Một dấu ấn lớn để lại không chỉ cho ngành CTCH Khánh Hòa mà tất cả chúng ta, trong và ngoài ngành y. Mong rằng các thầy thuốc luôn học tập và nhớ mãi tấm gương của Thầy.
LÝ LỊCH KHOA HỌC
BẢN THÂN :
Họ tên : VÕ-VĂN-CHÂU
Ngày sinh : 13/ 09/ 1947
Nơi sinh : Tiền Giang
Quốc tịch : Việt Nam
HỌC VỊ :
. Cựu Nội trú thực-thụ các bệnh viện Sài-gòn 1972
. Bác sĩ Y-khoa, trường Đại-học Y-khoa Sài gòn 1972
ĐÀO TẠO LIÊN TỤC :
. Chuyên khoa 1 Ngoại khoa, trường Đại-học Y-khoa TP.HCM 1987
. Chuyên khoa 2 Phẫu-thuật Tạo-hình, trường Đại-học Y-khoa Hà nội 1997-2000
. Tu nghiệp về Phẫu-thuật bàn tay và Vi-phẫu-thuật, Lyon, Pháp 1992-1993
. Tu nghiệp về Phẫu-thuật bàn tay và Vi-phẫu-thuật, Bangkok, Thailand 2000
THỰC-HÀNH CHUYÊN MÔN :
. Trưởng khoa Ngoại Trung tâm Y-tế Tân bình 1977-1990
. Trưởng Đơn-Vị Vi-Phẫu Trung-tâm Chấn-thương Chỉnh-hình TP.HCM. 1991-1996
. Trưởng khoa Phỏng Trung-tâm Chấn-thương Chỉnh-hình TP.HCM. 1991-1993
. Phẫu-thuật-viên khoa Chi trên Trung-tâm Chấn-thương Chỉnh-hình TP.HCM. 1993-1996
. Trưởng khoa Vi-phẫu Tạo-hình Trung-tâm Chấn-thương Chỉnh-hình TP.HCM. từ 1997 cho đến nay
. Chủ nhiệm Phân bộ môn Vi-phẫu Tạo-hình Trung-tâm Đào tạo và Bồi dưởng TP.HCM.
– Tổng thư ký Hội CTCH VIệt Nam 2005 -2010
CÔNG TRÌNH NGHIÊN-CỨU ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ :
A.. Bằng sáng chế:
Phương pháp chế tạo kim chỉ khâu không chấn-thương dùng trong vi-phẫu-thuật.
Bằng Tác giả sáng chế số 37- Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước cấp ngày 04/09/1987
B.. 45 Công trình nghin cứu đã được báo cáo và đăng bài trên các tạp chí quốc tế và trong nước
- 7 cuốn sách chuyên khoa sâu đã in.
KHEN THƯỞNG
Chiến sĩ thi đua các cấp cơ sở và thành phố năm 1983, 1984, 1985, 1987, 1992, 1995, 1999, 2000.
. Thầy thuốc ưu tú 2000.
. Bằng khen Lao động Sáng tạo của Tổng Công đoàn Việt nam năm 1984, 1986, 1991, 1998.
. Bằng Tác giả sáng chế nhà nước số 37 của Ủy ban khoa học và kỹ-thuật nhà nước năm 1987.
. Giải 3 giải thưởng Y học Phạm ngọc Thạch của Sở Y tế TP.HCM năm 1992. . Giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ-thuật toàn quốc 1992.
MỘT SỐ CÔNG TRÌNH ĐANG NGHIÊN CỨU :
– Khâu nối mạch máu nhỏ dưới 0,5 mm
– Vạt da tiền chế
– Dùng cơ vân thoái hóa thay thế thần-kinh
– Các đảo da có tuần-hoàn ngược dòng
– Chuyển gân cơ phục-hồi cử động tứ chi
– Chuyển ghép ngón chân thay thế ngón tay
– Chuyển ghép khớp nhỏ ở chân lên tay.
– Vị trí xuất phát động-mạch Salmon
– Các kỹ-thuật che-phủ nơi thiếu-mất da bàn tay
– Vạt da delta
– Vạt da ký sinh
BS CKII. PHAN HỮU CHÍNH
TRƯỞNG KHOA CTCH VÀ BỎNG
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA