Cột sống là một bộ phận quan trọng trong hệ thống xương khớp, là trụ chính nâng cơ thể đứng thẳng trên hai chân. Cột sống nâng đỡ phần đầu, tiếp xúc đai chi trên và đai chi dưới, tiếp xúc và bảo vệ các cơ quan trong lồng ngực, bụng. Ngoài ra, cột sống còn bảo vệ tủy sống và rễ thần kinh, chi phối hoạt động của các chi và hệ thần kinh giao cảm, phó giao cảm. Theo PGS-TS-BS Võ Văn Thành – Chủ tịch Hội Cột sống TP.HCM, Chủ tịch Danh dự Hội Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội Chấn thương Chỉnh hình Đông Nam Á, Nguyên Trưởng khoa Cột sống A (Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM), có rất nhiều bệnh liên quan đến cột sống và có thể chia thành hai nhóm chính là chấn thương và chỉnh hình.
Bác sĩ còn cho biết thêm rằng các bệnh về chỉnh hình gồm có vẹo cột sống, còng cột sống, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, mất vùng cột sống thắt lưng (do thoái hóa hoặc do khuyết eo), lao cột sống, ung thư nguyên phát cột sống, ung thư di căn vào cột sống, gãy xương sống âm thầm (do bị loãng xương)…
Hằng năm, bệnh về chấn thương mà Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM tiếp nhận hàng ngàn ca gãy xương sống, trong đó khoảng 20% trường hợp gãy đốt sống cổ, 80% trường hợp gãy đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng. Từ 70 đến 80% ca gãy đốt sống cổ và hơn 30% ca gãy đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng được chỉ định phẫu thuật. Trong các trường hợp chấn thương cột sống, có khoảng 70 – 80% bệnh nhân bị liệt có thể phục hồi và chừng 10% bệnh nhân bị liệt hoàn toàn, không thể phục hồi nổi.
Vậy trong các bệnh chấn thương và chỉnh hình đề cập ở trên, theo bác sĩ, những căn bệnh nào là nguy hiểm nhất?
Nguy hiểm nhất là còng và vẹo cột sống. Vẹo cột sống thường gặp hơn do khá nhiều nguyên nhân như: bẩm sinh, vô căn, bệnh lý do u sợi, đau sợi thần kinh, di chứng sốt bại liệt… Thông thường, vẹo cột sống xuất hiện ở các cháu nhỏ, bé gái bị nhiều hơn bé trai. Càng lớn, hiện tượng vẹo, còng càng nặng thêm, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì bệnh phát triển rất nhanh.
Phẫu thuật điều trị còng và vẹo cột sống thường rất phức tạp, phải sử dụng nhiều thiết bị, dụng cụ và chi phí cao, chừng trên dưới một trăm triệu đồng mỗi ca và cần có đội ngũ bác sĩ lành nghề, nhiều kinh nghiệm. Phương pháp hiện đại nhất là nắn chỉnh cột sống vẹo nặng với dụng cụ hiện đại bằng kỹ thuật bắt ốc chân cung hình phễu cải biên (chỉ có ở Việt Nam), cho kết quả rất tốt, tốn ít thời gian, ít chảy máu và phẫu thuật viên không cần kiểm tra X-quang trong suốt quá trình gây mê và phẫu thuật.
Do dụng cụ ốc chân cung phải nhập từ nước ngoài với chi phí khá cao nên tôi và một số cộng sự có tâm huyết ở Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, NEPHTECH (Trung tâm Thiết kế Chế tạo Thiết bị mới) cùng với sự hỗ trợ của Sở Công nghệ TP.HCM đang cố gắng tìm cách chế tạo các dụng cụ này. Trong 16 năm qua, Hội Cột sống TP.HCM đã phối hợp với Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí phẫu thuật cho hơn 100 em bị vẹo cột sống có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, chúng tôi còn tranh thủ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài như Nhật, Hoa Kỳ… Đặc biệt, liên tục trong sáu năm qua, đoàn Butterfly Foundation do GS-BS Andrew Moulton (Hoa Kỳ) đã ủng hộ các bệnh nhân mắc bệnh cột sống nặng một lượng dụng cụ phẫu thuật trị giá từ 6 đến 8 tỉ đồng/năm. Do đó, gia đình các em bị còng, vẹo cột sống có hoàn cảnh khó khăn nên đến liên hệ bệnh viện để được giúp đỡ.
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh rất thường gặp. Bác sĩ có lời khuyên nào về căn bệnh này?
Về bệnh thoát vị đĩa đệm, tôi xin nêu hai lưu ý: Thứ nhất, có kết quả bệnh lý thoát vị đĩa đệm trên kết quả chụp MRI không có nghĩa là bệnh nhân cần phẫu thuật vì có đến 80% trường hợp có thể điều trị khỏi bằng phương pháp bảo tồn. Phương pháp này đơn giản là bệnh nhân nằm nghỉ để đĩa sống giãn nở ra, bớt chèn ép và sử dụng thuốc chống viêm theo chỉ định của bác sĩ. Thứ hai, nhiều cơ sở y tế hiện nay hơi lạm dụng phương pháp mổ nội soi và YESS, trong khi cách mổ tốt nhất, ít gây tai biến nhất là mở nhỏ bản sống một bên độ 30 ly, cắt đĩa sống vi phẫu. Quan trọng nhất ở phương pháp bác sĩ chỉ định mổ đúng, kỹ thuật mổ tốt.
Hiện nay, một hội chứng khá phổ biến mà bác sĩ Robert Gunzburg – nguyên Chủ tịch Hội Nghiên cứu cột sống thắt lưng quốc tế – gọi là hội chứng VOMIT (Victim of Medical Imaging Technology – nạn nhân của kỹ thuật hình ảnh y khoa). Những lời giải về hình ảnh học trên X-quang cắt lớp điện toán (CT), cộng hưởng từ (MRI) hay X-quang dễ làm cho bệnh nhân lo lắng, nhất là khi tiếp xúc lần đầu với các thuật ngữ y khoa như: gai, lồi đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa mấu khớp, chèn ép rễ thần kinh, chèn ép mặt trước tủy sống… Nhiều bệnh nhân trên lâm sàng không có dấu hiệu đáng quan ngại nhưng lại dễ xiêu lòng chịu đốt laser, sóng cao tầng, mổ cố định dụng cụ… không cần thiết. Một vài thống kê đã cho thấy ở các nước tiên tiến việc tốn phí điều trị các bệnh lý gây đau thắt lưng lên đến hàng tỉ đôla. Vấn đề này sẽ lớn hơn nữa ở nước ta nếu không quan tâm điều tiết các cách chữa trị chưa đúng hay chỉ định phẫu thuật không đúng đắn, kỹ thuật phẫu thuật chưa tốt để lại di chứng tiền mất tật mang. Không phải ca bệnh nào cũng phải được điều trị phẫu thuật. Ngay cả gai cột sống, nghe có vẻ đáng sợ nhưng thực tế chỉ là một triệu chứng xuất hiện để giảm sự chịu lực lên đĩa đệm. Gai cột sống chỉ gây nguy hiểm khi mọc đằng sau đốt sống cổ, chèn ép tủy sống ở đốt sống cổ hoặc mọc phía sau đốt sống thắt lưng gây chèn ép các rễ thần kinh. Khi có bệnh thì nên tham vấn, đi khám bác sĩ chuyên khoa cẩn thận để chọn cách điều trị.
Bệnh nhân bị đau thắt lưng cấp tính hay mãn tính cũng cần thật cẩn thận khi quyết định chọn những kỹ thuật điều trị như châm cứu, nắn bẻ xương sống, đốt laser, đốt sóng cao tần, mổ nội soi… Hầu hết các trường hợp bị bệnh này đều có thể được điều trị hiệu quả bằng phương pháp bảo tồn.
Thưa bác sĩ, có phải đau lưng và đau thắt lưng đều do bệnh về cột sống hay không và vì sao đối tượng doanh nhân và nhân viên văn phòng dễ bị đau thắt lưng?
Đau lưng và thắt lưng không chỉ do bệnh về cột sống mà còn có thể do nhiều bệnh khác như cảm cúm, huyết áp cao, đau phần mềm như bắp thịt – mô sợi, đau do thấp ngoài khớp, ảnh hưởng viêm khớp dạng thấp hoặc do ảnh hưởng của các bệnh lý khác. Phải chẩn đoán, phân biệt rõ mới có chỉ định điều trị đúng đắn, nhất là khi quyết định phẫu thuật.
Doanh nhân và nhân viên văn phòng thường bị đau thắt lưng do thiếu vệ sinh cột sống như: ngồi khom cúi liên tục hơn hai giờ, ngồi họp lâu trong tư thế khom lưng, ngồi ghế cao không có chỗ tựa bàn chân, ít vận động đi lại…
Xin bác sĩ hướng dẫn cách bảo vệ tủy sống và rễ thần kinh bên trong cột sống, nhất là đối với doanh nhân và nhân viên văn phòng?
Bảo vệ tủy sống và rễ thần kinh cũng như bảo vệ cột sống nói chung, đều cần tư thế vận động tốt, không gò ép cột sống quá mức. Những người thường xuyên làm việc trong văn phòng nên ngồi ghế tựa hơi ngả người ra phía sau khoảng 30 độ, giữ cho cổ và hai chân thẳng, nếu không thì ngồi sao cho lưng thẳng, tránh ngồi khom lưng về phía trước, bàn chân có điểm tựa phẳng. Làm việc từ 30 đến 45 phút thì nên đứng dậy đi lại, thả lỏng cơ thể. Ngồi xuống nhặt đồ từ sàn nhà, không cúi khom lưng. Khi nằm thì nên nằm ngửa, đầu không gối quá cao, nằm nghiêng nên gác chân lên gối dài. Tập luyện cơ bụng và cơ thắt lưng bằng hoạt động bơi lội, tập thể dục nhẹ nhàng… Doanh nhân nên tránh uống nhiều rượu bia vì đàn ông bụng to cộng với cơ thành bụng và thắt lưng yếu sẽ làm tăng nguy cơ đau thắt lưng.
Để bảo vệ xương sống, người trưởng thành không nên mang vác thường xuyên các vật nặng trên 15kg. Thanh thiếu niên mang vác thường xuyên trên 20kg dễ bị đau thắt lưng cấp tính, về lâu dài gây đau lưng mãn tính và biến chứng đau thần kinh tọa. Càng lớn tuổi thì nguy cơ biến chứng càng cao, nhất là từ 40 tuổi trở lên do ảnh hưởng của thoái hóa đĩa đệm. Ngoài ra, người lớn tuổi rất dễ bị triệu chứng gãy xương âm thầm do loãng xương, nhất là phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Do đó, người cao tuổi nên đi đứng chậm rãi, cẩn thận, không nên khom cúi lưng, thắt lưng, tránh bị dằn xóc mạnh khi ngồi xe, có thể gây gãy xương, bí tiểu hoặc liệt chi.
Tóm lại, cột sống là trụ chống đỡ cơ thể, cho phép các vận động phức tạp của cơ thể trong không gian ba chiều và bảo vệ tủy sống, rễ thần kinh. Chúng ta phải biết giữ gìn sức khỏe cột sống bằng cách chú ý hơn trong các tư thế sinh hoạt hằng ngày. Một số bệnh viện uy tín trong điều trị bệnh về cột sống nặng mà tôi biết là Bệnh viện 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội), Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.
Xin cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.
Xuân Lộc