Chỉ trong vòng 10 ngày, tại Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa xảy ra 2 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong do sặc sữa. Đây là tiếng chuông báo động cho các bà mẹ và người nuôi trẻ. Trong khi đó theo các bác sĩ (BS), việc cấp cứu trẻ bị sặc sữa thực ra rất đơn giản, nhưng là một cấp cứu vô cùng khẩn cấp (chỉ vài phút), bởi thực tế đã có nhiều trường hợp khi vào đến BV thì trẻ đã ngưng thở. Chính vì vậy, việc phổ biến kiến thức cấp cứu trẻ bị sặc thức ăn nói chung, sặc sữa nói riêng cho các bà mẹ và người nuôi trẻ là việc rất cần thiết.
Theo BS Nguyễn Ngọc Huy, Phó Trưởng khoa Nhi, dị vật đường thở nói chung và sặc thức ăn nói riêng là một cấp cứu nội của nhi khoa. Khi thức ăn rơi vào đường thở sẽ làm tắc nghẽn đường thở hoặc do phản xạ đóng nắp thanh môn để bảo vệ đường thở quá lâu khiến cho không khí không thể đi vào phổi làm cho trẻ thiếu khí, gây nên khó thở, tím tái, suy tuần hoàn và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nếu trẻ bị ngừng thở lâu sau 5 – 7 phút, não bộ sẽ thiếu oxy nặng nề, lúc này nếu được cứu sống cũng để lại di chứng não không hồi phục, trẻ sẽ sống đời sống thực vật… Cũng có trường hợp sặc thức ăn (như các loại hạt, vật dụng nhỏ rơi vào phổi) nếu không phát hiện và xử ký kịp thời sẽ gây viêm phổi kéo dài, áp-xe phổi…
Thực tế, nhiều phụ huynh không nhận biết được tình trạng trẻ bị dị vật đường thở nên nhiều trường hợp dẫn đến ngưng thở trước khi đến BV hoặc đưa đến BV rất muộn (khi trẻ bị viêm phổi kéo dài, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi) nên rất khó chữa trị. Những trường hợp bị hóc các xương động vật có thể xuyên thủng động mạch lớn, gây áp-xe trung thất. Dị vật đường thở thường xảy ra ở trẻ nhỏ, thường gặp ở lứa tuổi ăn dặm đến 3 tuổi do ở độ tuổi này các phản xạ đường thở đóng mở nắp thanh môn để bảo vệ đường thở khi ăn uống và khi hít thở chưa thuần thục, trong khi đó trẻ thấy bất cứ vật gì cũng cho vào miệng ngậm, rồi nuốt trôi vào cuống họng lúc nào không hay.
Khi sặc thức ăn, cần làm cho trẻ có phản xạ ho để tống thức ăn ra ngoài, như vậy sẽ đưa được trẻ ra khỏi tình trạng nguy hiểm ngay từ ở nhà. Chính vì vậy, việc biết cấp cứu tại chỗ trong những phút đầu tiên sau khi trẻ bị sặc thức ăn là cực kỳ quan trọng. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực, còn với trẻ lớn thì dùng thủ thuật Heimlich. Cách thức thực hiện như sau: Với trẻ bú mẹ: một tay xách ngược trẻ lên, tay còn lại đánh thật mạnh 4 cái vào sau lưng trẻ ở giữa 2 xương bả vai. Với trẻ nhũ nhi (từ 2 – 12 tháng): một tay ôm 2 chân trẻ, đặt trẻ nằm tỳ ngực lên đùi của người cấp cứu, đầu dốc xuống đất, tay còn lại đánh mạnh 4 cái vào sau lưng trẻ giữa 2 xương bả vai. Ở trẻ em: người cấp cứu ngồi chống chân xuống đất, đặt trẻ nằm sấp, tựa phần ngực và phần trên bụng vào đùi người cấp cứu, dùng tay trái đỡ người trẻ cho đầu chúc xuống đất, tay phải đánh mạnh 4 cái vào sau lưng trẻ giữa 2 xương bả vai. Trường hợp trẻ lớn (dùng thủ thuật Heimlich): cho trẻ đứng cúi đầu về phía trước, người cấp cứu đứng sau lưng trẻ, vòng 2 tay qua eo trẻ, 1 bàn tay nắm thành nắm đấm và phía ngón cái nắm đấm tựa vào ngay dưới mũi xương ức, bàn tay kia nắm chặt nắm đấm và giật mạnh 2 tay hướng lui ra sau và lên trên 5 – 10 cái. Các thủ thuật trên được lặp lại nhiều lần cho đến khi trẻ dễ thở. Nếu trẻ ngưng thở thì người cấp cứu phải thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực kết hợp với vỗ lưng ấn ngực. Ở trẻ sơ sinh thì cứ 1 lần thổi ngạt phải có 3 lần ép tim, ở trẻ lớn cứ 1 lần thổi ngạt phải có 5 lần ép tim. Tránh dùng ngón tay móc dị vật vì như vậy sẽ làm cho dị vật đi sâu hơn vào đường thở.
Để tránh sặc thức ăn ở trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý: Cho trẻ ăn từ từ từng muỗng nhỏ, chọn thức ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Tránh tình trạng trẻ vừa ăn vừa cười đùa, la hét hoặc cho trẻ ăn khi trẻ đang khóc. Cần loại bỏ một số thói quen gây nguy cơ hít sặc cho trẻ như bịt mũi bắt trẻ nuốt, trẻ vừa ăn vừa ngủ, mẹ vừa ngủ vừa cho con bú… Trường hợp cho trẻ nằm bú hoặc ăn, nếu trẻ nôn ói thì không nên bồng bé dậy ngay, vì làm như vậy thức ăn sẽ trào ngược vào đường hô hấp. Cách xử trí đơn giản là để bé nằm yên, nghiêng đầu bé qua 1 bên cho bé nôn để chất nôn không trào ngược vào đường hô hấp. Không để các loại hạt (hạt bí, hạt dưa…) hoặc các vật dụng nhỏ (đồng tiền nhỏ, khuy áo…) gần với tầm nhìn, tầm với của trẻ.
NGỌC KHÁNH