Theo dõi đường huyết liên tục CGM (Continuous Glucose Monitoring) là phương pháp theo dõi đường huyết của bệnh nhân đái tháo đường một cách liên tục trong thời gian thực. CGM sử dụng một thiết bị cảm biến đặt dưới da để đo lượng đường huyết trong khoảng kẽ. CGM tự động quét đường huyết mỗi 5 phút, như vậy có khoảng 288 lần đo trong 24 giờ và bệnh nhân có thể biết được kết quả đường huyết của mình mỗi vài phút. Dữ liệu đường huyết sẽ được chuyển đến đầu đọc nơi mà bệnh nhân và bác sĩ có thể xem và phân tích.
Theo dõi đường huyết liên tục có nhiều ưu điểm so với đo đường huyết bằng cách chích máu như: không lấy máu, không gây đau, và có thể biết được đường huyết đang tăng, giảm hay ổn định. Ngoài ra, bệnh nhân có thể xem kết quả đường huyết mỗi vài phút, điều này giúp bệnh nhân thấy rõ tác động ngay lập tức của thức ăn, hoạt động thể chất, và thuốc điều trị đến mức đường huyết, từ đó điều chỉnh lối sống và thói quen hàng ngày để duy trì mức đường huyết ổn định.
Theo dõi đường huyết liên tục đã được chứng minh qua các nghiên cứu giúp bệnh nhân kiểm soát đường huyết tốt hơn, giảm tỉ lệ hạ đường huyết, giảm tỉ lệ nhập viện và biến chứng do đái tháo đường. Vì vậy, theo dõi đường huyết liên tục đã được Bộ Y tế và Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường nhằm cải thiện việc kiểm soát đường huyết, hạn chế hạ đường huyết và tránh biến chứng.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, từ tháng 6/2023 đã bắt đầu áp dụng phương pháp theo dõi đường huyết liên tục cho bệnh nhân đến khám và điều trị. Bước đầu đã ghi nhận một số kết quả tích cực: bệnh nhân được theo dõi đường huyết liên tục và toàn diện, cải thiện kiểm soát đường huyết, tăng cường hiểu biết về tình trạng sức khỏe, và nâng cao chất lượng cuộc sống.