Ngày 25/02/2024, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận trường hợp thai phụ Nguyễn Thị L. 39 tuổi, đau bụng, mang thai 24 tuần, tiền sử mổ lấy thai 2 lần, khám thai không thường xuyên. Tại thời điểm nhập viện, thai phụ đau bụng nhiều và choáng nặng, huyết áp không đo được. Chẩn đoán chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến dưới: Theo dõi thủng dạ dày/Thai lần 3/Vết mổ cũ (VMC) 2 lần.
Khoa Cấp cứu vừa tiếp nhận, vừa hồi sức và hội chẩn các khoa liên quan. Bác sĩ trực Khoa Phụ sản đã đưa ra nhận định ban đầu là choáng giảm thể tích, theo dõi vỡ tử cung ở thai phụ mang thai 24 tuần với tiền sử VMC 2 lần. Đây là một trong 5 tai biến sản khoa rất nghiêm trọng và đe dọa tính mạng, do đó bệnh nhân được chuyển mổ khẩn cấp.
Trong quá trình phẫu thuật, tình trạng của bệnh nhân được ghi nhận phức tạp hơn dự kiến. VMC làm dính toàn bộ thành trước tử cung vào thành bụng, ổ bụng có khoảng 2500 ml máu tươi và máu cục. Nhau thai bám xuyên vết mổ gây thủng tử cung đang chảy máu (gọi là bệnh lý nhau cài răng lược gây vỡ tử cung – là phẫu thuật phức tạp nhất trong sản khoa hiện nay, đòi hỏi cần có bác sĩ nhiều kinh nghiệm).
BSCKII. Phạm Hoàng Phong – Trưởng Khoa Phụ sản – BVĐK tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành gỡ dính, cắt tử cung, cầm máu triệt để, giúp thai phụ vượt qua nguy kịch. Ca mổ cấp cứu diễn ra gần 3 tiếng đồng hồ, sử dụng 8 đơn vị hồng cầu khối, 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 2 đơn vị tiểu cầu. Tình trạng rối loạn đông máu được xử trí kịp thời. Chỉ 2 ngày sau khi phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể vận động nhẹ và ăn uống. Và sau hơn 1 tuần điều trị, sản phụ đã được xuất viện trong tình trạng ổn định.
Một trường hợp khác trong phiên trực cùng ngày, ThS.BS Trần Văn Cần cũng chẩn đoán và phẫu thuật kịp thời một trường hợp vỡ tử cung mang song thai 19 tuần, tiền sử mổ lấy thai 2 lần. Ca mổ sử dụng hết 04 đơn vị hồng cầu khối, 02 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh. Kết quả: bảo tồn thành công tử cung cho bệnh nhân, sản phụ ra viện sau 7 ngày điều trị.
Tiếp tục mang thai đối với người phụ nữ đã có tiền sử mổ lấy thai nhiều lần, tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe người mẹ. Trong khuyến cáo của thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đã đề cập đến nhiều rủi ro như vỡ tử cung, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, tổn thương ruột, bàng quang khi phẫu thuật lấy thai lần sau,…
BS CKII. Phạm Hoàng Phong – Trưởng Khoa Phụ sản cho biết 2 trường hợp vỡ tử cung gặp trong cùng một phiên trực là điều hiếm gặp, nhất là tại một bệnh viện tuyến tỉnh, tổng dân số không lớn (khoảng hơn 1 triệu dân). Điểm chung của cả 2 trường hợp là có tiền sử mổ lấy thai 2 lần, thai kỳ hiện tại mới chỉ ở quý 2, thai còn nhỏ. Đa phần các trường hợp vỡ tử cung trước đây ghi nhận ở quý 3 thai kỳ (tức sau 29 tuần). Điều đó cho thấy rằng tỷ lệ mổ lấy thai tại Việt Nam đang ở mức cao và các biến chứng của tiền sử mổ lấy thai gặp ngày càng nhiều và phức tạp hơn. May mắn, cả 2 trường hợp kể trên đều được chẩn đoán và xử trí kịp thời, cứu sống tính mạng 2 người mẹ.
Cảnh báo đối với các sản phụ và cộng đồng
- Sản phụ đừng nên chủ động lựa chọn mổ lấy thai – khi chưa có chỉ định chuyên môn – như là 1 phương pháp thay thế cho việc chuyển dạ, sinh đẻ đường âm đạo.
- Cân nhắc kỹ các nguy cơ trước khi quyết định mang thai lại, nhất là các phụ nữ đã mổ lấy thai nhiều lần.
- Nếu đã quyết định mang thai, khám thai đúng định kỳ tại các cơ sở có uy tín, nhất là các thai kỳ có nhiều nguy cơ cao như có tiền sử mổ lấy thai, mẹ có bệnh lý nền,…