Can thiệp mạch vành qua da (PCI) là phương pháp tái tạo lại mạch máu đã và đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay cho bệnh mạch vành tắc nghẽn. Mặc dù can thiệp mạch vành qua da đã có nhiều tiến bộ trong 40 năm qua, canxi hóa mạch vành nặng vẫn là một thách thức lớn đối với thủ thuật này. Tổn thương canxi hóa mạch vành thuộc nhóm tổn thương mạch vành phức tạp, bản chất tổn thương do mảng xơ vữa kèm lắng đọng canxi và thường đi kèm với bệnh lý tổn thương nhiều nhánh, dài lan toả, tắc mạn tính, chia đôi, tổn thương lỗ, tổn thương thân chung. Tổn thương vôi hóa từ mức độ trung bình đến nặng dao động từ 18% đến 26% từ các nghiên cứu. Các yếu tố nguy cơ như lớn tuổi, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường và đặc biệt liên quan đến bệnh thận mạn.
Tổn thương canxi hóa mạch vành ở mức độ trung bình tới mức độ nặng luôn là thách thức cho các bác sĩ tim mạch can thiệp. Can thiệp mạch vành qua da với tổn thương canxi hóa ghi nhận tỷ lệ thành công thủ thuật thấp, tỷ lệ cao các biến chứng trong can thiệp, tăng cao các biến cố tim mạch. Kết quả từ các nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ tái hẹp trong stent sau can thiệp với tổn thương canxi hóa khoảng 8%, với stent có phủ thuốc từ 33,3% – 52,7%.
Từ tháng 11/2022 đến 11/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện trên 30 bệnh nhân với tổn thương canxi hóa từ mức độ trung bình đến nặng, sử dụng bóng Scoring chuẩn bị tổn thương trước khi can thiệp đặt stent, bước đầu ghi nhận thành công thủ thuật 100%, không biến chứng.