Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ- BS. NGUYỄN ĐẶNG ĐÌNH THI – chuyên khoa Ngoại Niệu – Nam khoa, khoa Ngoại Tổng quát và Trung tâm Dịch vụ Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Xoắn tinh hoàn là xoắn thừng tinh (mạch máu và ống dẫn tinh) dẫn đến tinh hoàn thiếu máu nuôi dưỡng và tổn thương nặng hơn có thể bị hoại tử. Nếu để tình trạng xoắn quá lâu, tinh hoàn bị tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới chức năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ.
Là một cấp cứu ngoại khoa – Nam khoa (Ngoại Niệu), tỷ lệ 1/4000 nam giới < 25 tuổi. Thường gặp ở trẻ em.
Triệu chứng là bìu sưng nề và đau dữ dội cấp tính, có thể buồn nôn hoặc nôn. Vị trí xoắn thường gặp ở bên tinh hoàn trái do đặc điểm giải phẫu học.
Chẩn đoán xác định cần dựa trên khám thực thể và kết quả siêu âm Doppler màu.
Trong phẫu thuật cấp cứu, tinh hoàn bị xoắn có thể được tháo xoắn hoặc nặng hơn phải cắt bỏ.
Thời gian và mức độ xoắn thừng tinh là những yếu tố chính quyết định sự sống còn của mô tinh hoàn sau khi bị thiếu oxy do động mạch bị xoắn.
Khi được MỔ trong vòng 0 – 6 giờ, 97,2% tinh hoàn sống sót
Sau 25 – 48 giờ xoắn, chỉ có 24,4% tinh hoàn sống sót.
Mức độ xoắn tinh hoàn là đặc biệt quan trọng vì sự sống sót của tinh hoàn xoắn còn kéo dài có thể là do lưu lượng máu đến tinh hoàn không bị tắc hoàn toàn hoặc xoắn không liên tục.
Bảo tồn hay cắt bỏ tinh hoàn bị xoắn thường được quyết định trong khi mổ.
Tinh hoàn đen hoàn hoàn và hoại tử thì nên được cắt bỏ.
Nếu tình trạng viêm có vẻ còn cứu vãn được thì nên tháo xoắn và cố định tinh hoàn vào bìu.
Khả năng cứu vãn của tinh hoàn bị xoắn tương quan với thời gian xoắn và thời gian thực tế bị thiếu máu.
Nếu bạn nhận thấy mình có bất kỳ triệu chứng nào như trên, vui lòng đến ngay cơ sở y tế gần nhất để nhận được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
————-
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
19 Yersin, phường Lộc Thọ, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.