Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi tiếp xúc với các vật dụng có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu sẵn có tùy thuộc vào độ tuổi: 6in1 (Infanrix hexa, Hexaxim) 5in1 (Pentaxim, ComBe Five, DPT-VGB-Hib (SII), 4in1 (Tetraxim), 3in1 (Boostrix, Adacel), Td… đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Tất cả những người chưa có miễn dịch đầy đủ đều có nguy cơ mắc bạch hầu, đặc biệt là trẻ em < 5 tuổi, người lớn > 40 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người có bệnh nền, người bị rối loạn miễn dịch, sống chung môi trường đông đúc, chật hẹp, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, không tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh, không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân mà còn phòng bệnh cho những người xung quanh và cả cộng đồng.
Lịch tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Bạch Hầu
– 03 mũi cơ bản: 2 tháng- 3 tháng- 4 tháng
– Mũi nhắc: 16-18 tháng; 4-6 tuổi; 9-15 tuổi
Ghé ngay CƠ SỞ TIÊM CHỦNG VẮC XIN- BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA để được khám và tư vấn MIỄN PHÍ cùng bác sĩ chuyên khoa.
AN TOÀN – HIỆU QUẢ – GIÁ TỐT!
Lịch làm việc
+ Thứ 2 – thứ 6: 07h00 – 11h30, 13h30 – 17h00
+ Thứ 7: 08h00 – 11h30, 13h30 – 17h00
+ Chủ Nhật: 08h00 – 11h30
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: 091 187 4949 – 091 173 6188
Zalo: 091 187 4949