Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên khi nào sử dụng biện pháp chườm lạnh và khi nào thì nên chườm nóng với các bệnh nhân bị chấn thương. 48 giờ đầu sau chấn thương, tuyệt đối không được áp dụng các biện pháp làm nóng vết thương như ngâm mình trong bồn nước nóng, dùng đèn sưởi, chườm túi nước nóng, bôi dầu deep heat… Những động thái này làm gia tăng tình trạng xuất huyết tại nơi chấn thương, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trái lại, các biện pháp chườm lạnh lại tỏ ra rất hiệu quả.
Khi bị bong gân, căng cơ hay bầm dập phần mềm, luôn có tình trạng chảy máu ở tổ chức bên dưới. Tình trạng này có thể gây sưng, đau và khiến vết thương lâu lành. Chườm lạnh tỏ ra hiệu quả cả trong điều trị tức thì (48 giờ đầu sau chấn thương) và trong điều trị phục hồi (sau 48 giờ). Trong khi đó chườm nóng chỉ phát huy tác dụng trong điều trị phục hồi.
Chườm lạnh: Điều trị tức thì
(48 giờ đầu sau chấn thương)
Mục tiêu lúc này là hạn chế tình trạng chảy máu và phù nề của tổ chức dưới da. Chườm lạnh có tác dụng:
1. Ngăn ngừa hoặc làm giảm tình trạng sưng nề
2. Giảm co thắt cơ
3. Giảm đau
Điều trị phục hồi (hơn 48 giờ sau chấn thương)
Lúc này, hiện tượng xuất huyết đã ngừng, mục tiêu của điều trị là giúp cơ quan bị chấn thương phục hồi thông qua luyện tập. Chườm lạnh giúp giảm đau và giảm co thắt cơ, cho phép người bệnh cử động tốt hơn. Có thể chườm đá trong khi tập hoặc ngay trước khi tập. Bạn sẽ thấy ít bị đau hơn và các khớp cũng cử động dễ dàng hơn.
Cách làm túi đá chườm
- Có thể dùng đá lạnh bỏ vào túi nylon hoặc bọc trong khăn bông ướt.
- Túi đậu hạt đông lạnh là dụng cụ rất tuyệt vời. Nó rã đông rất từ từ và có thể sử dụng nhiều lần.
- Cũng có thể dùng túi chườm mua ở hiệu thuốc.
Cách sử dụng túi chườm lạnh
Nếu vết thương kín, da không bị rách, không bị khâu:
- Xoa một chút dầu baby oil lên vùng sẽ đặt túi chườm (có thể dùng bất cứ loại dầu gì, kể cả dầu ăn sạch).
- Lót một miếng vải nỉ đã tẩm nước lạnh lên trên lớp dầu.
- Đặt túi đá lạnh lên trên cùng.
- Kiểm tra màu da sau 5 phút. Nếu da màu hồng nhạt hoặc đỏ thì nhấc túi ra. Nếu da không chuyển màu hồng thì tiếp tục chườm thêm 5-10 phút.
- Chỉ cần chườm 20-30 phút. Kéo dài thời gian chẳng những không làm tăng hiệu quả mà còn có thể gây tổn thương da.
- Ấn nhẹ nhàng lên túi đá có thể giúp làm tăng hiệu quả điều trị.
Chú ý:
1. Nếu da bị rách hoặc có vết khâu thì không được bôi dầu. Khi này cần lót một túi nylon lên vùng định chườm để vết thương không bị ướt (không cần lót miếng vải nỉ nữa).
2. Da có thể bị bỏng hoặc tê cóng nếu không được bôi dầu và lót vải.
Chườm bao lâu là đủ?
Lý tưởng nhất là chườm ngay trong vòng 5-10 phút sau khi chấn thương, chườm trong vòng 20-30 phút. Lặp lại sau mỗi 2-3 giờ (khi thức) trong vòng 24-48 giờ đầu.
- Chườm nóng
Các biện pháp này chỉ hiệu quả khi chấn thương đã xảy ra hơn 48 giờ.
Các hình thức chườm nóng:
1.Túi chườm
2. Chai nước nóng
3. Đèn sưởi
4. Kem Deep Heat - Tác dụng của nhiệt:
1.Giãn mạch, tăng cường dòng máu tới vết thương.
2. Làm giãn cơ, dịu cơn đau.
Chỉ cần làm nóng vùng bị thương ở mức độ vừa phải, không dùng túi chườm quá nóng. Chú ý kiểm tra da đều đặn để tránh nguy cơ bị bỏng.
So với sử dụng nhiệt, chườm lạnh thường đem lại hiệu quả cao hơn và lâu dài hơn, nó cũng giúp gảm đau tốt hơn và lâu hơn.Không chườm nóng hoặc lạnh:
1. Trên vùng da không được khỏe.
2. Trên vùng da ít cảm nhận sự nóng lạnh.
3. Trên vùng da có tuần hoàn máu kém.
4. Ở bệnh nhân tiểu đường.
5. Ở người đang bị nhiễm trùng.
Ngoài ra, cũng không được chườm lạnh trên vùng vai trái nếu bạn bị bệnh tim
Không chườm lạnh ở phía trước và hai bên cổ
Theo VOV