Không chỉ là giáo sư uy tín về lĩnh vực tai mũi họng ở Hoa Kỳ, ông còn là nhà khảo cứu văn hóa nổi tiếng với Từ điển tiếng Huế hơn 2.000 trang. Các khảo cứu gây tranh luận về những chứng bệnh dẫn tới cái chết của nhiều nhân vật lịch sử như Quang Trung Nguyễn Huệ, Ngọa triều Lê Long Đỉnh hoặc hệ quả của triều đại nổi tiếng về loạn luân trong lịch sử nước Việt là triều Trần…
Ông còn là nhà nghiên cứu về Văn hóa ẩm thực Huế.
Cách đây khoảng 10 năm, vị thầy thuốc danh giá này là một trong nhiều trí thức Việt Nam xuất hiện trong chương trình “Vinh danh nước Việt”.
Đó là GS.TS.BS Bùi Minh Đức, quê gốc Huế, hiện định cư tại Califonia (Hoa Kỳ).
Cuộc trò chuyện cùng giáo sư Bùi Minh Đức được thực hiện trên du thuyền xuôi dọc sông Volga từ Moscow về St. Petersburg (Liên bang Nga) trong hành trình dài 1.700 km.
.Giáo sư Bùi Minh Đức mở đầu:
– Đời tôi cũng thường thôi anh. Lớn lên ở Huế, đi học trường trung học Khải Định, rồi ra trường, đậu tú tài xong thì tôi vào Sài Gòn học Đại học Y khoa. Tôi đậu tú tài năm 1952. Ra trường trình luận án năm 1962, và sau đó tôi về dạy Đại học Y khoa sài Gòn năm 1964 – 1975. Sau đó tôi di chuyển qua Mỹ và ở đại học Louisville, Kentucky và tôi dạy ở đó được 3 năm, trong khi đó tôi cũng phải học lại để lấy bằng thạc sỹ Y khoa chuyên khoa Tai – Mũi – Họng của Hoa Kỳ.
Từ năm 1981 thì tôi về California và định cư ở đó. Từ đó đến nay tôi ở California.
Vâng, thưa giáo sư, tôi được biết ông đã sáng tạo, sáng chế ra một phương pháp mà Y khoa Mỹ lấy tên của ông làm tên của phương pháp đó. Ông có thể cho biết phương pháp đó như thế nào?
– Đó là kỹ thuật về nội soi tai. Tôi làm phẫu thuật nội soi tai dùng ống nội soi để làm phẫu thuật ở trong tai. Hồi ông thầy tôi ở bên Đức thì dùng kính hiển vi, nhưng kính hiển vi có nhiều cái bất tiện, nhất là việc bảo quản, bảo trì cần rất nhiều công phu.
Vì vậy, tôi dùng ống nội soi thì kết quả không thua gì kính hiển vi. Và nhờ vậy mà tôi đã làm thực nghiệm ở trên xương tai, rồi tôi đi làm trên người, và làm phẫu thuật tạo màng nhĩ, vá lắp xương con trong tai giữa hoàn toàn bằng ống nội soi.
Tôi đã trình bày những thành quả này ở các đại hội về Tai – Họng ở ngoại quốc. Và trong kỹ thuật đó, tôi có một cách tiếp cận trong tai giữa qua cách thức mà trước là theo phương pháp của một giáo sư khác nhưng với nội soi thì tôi dùng cách khác. Thực ra phương pháp của tôi như bản thân tôi trình bày ở hội nghị Cairo thì thành quả không thua gì kính hiển vi.
Và phương pháp ấy có được áp dụng trên toàn nước Mỹ không, thưa ông?
Bây giờ thì phương pháp nội soi phẫu thuật tai vẫn là phương pháp mới. Không chỉ Mỹ mà nhiều nơi trên thế giới, kể cả các trường đại học cũng đã bắt đầu làm rồi. Ở Việt Nam thì tại Hà Nội hoàn toàn làm bằng nội soi. Vì dùng kính hiển vi dễ bị hư nên phương pháp nội soi thường được sử dụng hơn.
Những chuyên viên phẫu thuật nhận xét rằng, phương pháp nội soi cho kết quả rất tốt, và không thua gì kính hiển vi. Các bệnh nhân cũng tỏ ra rất hài lòng về kết quả đó.
Kết quả này được phát minh ra lúc nào, thưa ông?
Thưa anh, hồi tôi trình bày phương pháp này là năm 1997, đến năm 2000 thì tôi trình bày tại hội nghị quốc tế ở Cairo.
Và nó được mang tên của giáo sư?
Nó được gọi là “Method of Bui” (tức phương pháp của bác sỹ Bùi Minh Đức – PV).
Thưa ông, ông giảng dạy ở một trường đại học uy tín của Mỹ trong nhiều năm rồi. Ông có nhận xét gì về tinh thần học hỏi của người Mỹ không?
Ở Mỹ có rất nhiều người tài. Nếu như nói về việc tôi được tiếp nhận tất cả về giới y khoa ở Đức, Pháp và Hoa Kỳ thì tôi thấy như thế này: Trong những ý kiến về y khoa, xác suất ý kiến độc đáo từ những bác sĩ ở châu Âu nhiều hơn ở Mỹ.
Người Mỹ thường chấp nhận những ý kiến đó, rồi làm tiến bộ hơn, làm hoàn thiện hóa hơn, chứ thực ra xuất phát điểm phần nhiều là từ những bác sĩ ở châu Âu.