Trong 2 ngày 7/2/2018 và 8/2/2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức tuyên truyền dự án muỗi mang Wolbachia phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika đến các cán bộ, nhân viên toàn bệnh viện. Đến tham dự chương trình có lãnh đạo BVĐK tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo các khoa, phòng BVĐK tỉnh Khánh Hòa và các cán bộ công nhân viên của BVĐK tỉnh Khánh Hòa.
Vi khuẩn Wolbachia sống trong tế bào của khoảng 60% các loài côn trùng trong tự nhiên, trong đó có nhiều loài sống gần người như bướm, chuồn chuồn, ruồi giấm và một số loài muỗi. Tuy nhiên muỗi vằn trong tự nhiên – trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika, lại không mang vi khuẩn Wolbachia. Dựa trên kết quả từ hơn 10 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, vi khuẩn Wolbachia có khả năng ức chế sự phát triển của vi-rút Dengue và Zika trong cơ thể muỗi vằn. Việc thả muỗi vằn mang Wolbachia sẽ làm giảm số lượng muỗi vằn tự nhiên truyền bệnh và phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue và Zika tại Việt Nam.
Sau khi được thả, vi khuẩn Wolbachia sẽ dần lan truyền và phát triển nhờ quá trình cặp đôi và sinh sản tự nhiên của muỗi. Muỗi vằn đực mang Wolbachia khi giao phối với muỗi vằn cái không mang Wolbachia thì trứng do con cái đẻ ra sẽ không nở (làm giảm số lượng muỗi truyền bệnh). Muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực (mang hay không mang Wolbachia) sẽ đều sản sinh ra thế hệ muỗi mới mang Wolbachia. Do hai cơ chế trên, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sẽ dần chiếm ưu thế hơn trong quần thể muỗi vằn tự nhiên và giúp hạn chế lan truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika mà không làm tăng số lượng muỗi trong cộng đồng. Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam là một dự án nghiên cứu hợp tác giữa Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế Khánh Hoà, UBND tỉnh Khánh Hòa và Đại học Monash (Australia) trong khuôn khổ chương trình loại trừ sốt xuất huyết toàn cầu. Như vậy, chương trình tuyên truyền dự án muỗi mang Wolbachia phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika đã diễn ra trong không khí thân mật và kết thúc thành công tốt đẹp.
P.CĐT