Siêu âm phổi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chẩn đoán và theo dõi suy hô hấp, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong các bệnh nhân được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực. Đặc biệt, khi so sánh với các kỹ thuật truyền thống như X-Quang ngực, CTScan, siêu âm phổi mang lại nhiều lợi ích vượt trội hơn như: hạn chế như phơi nhiễm bức xạ và không phải vận chuyển bệnh nhân sang khoa Chẩn đoán hình ảnh. Đối với bệnh nhân nặng, đây là điều không dễ dàng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Suy hô hấp cấp được định nghĩa là giảm cấp tính chức năng thông khí của bộ máy hô hấp hoặc/và chức năng trao đổi khí của phổi. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải điều trị tại các khoa Hồi sức (60-70%), chiếm khoảng 2 triệu lượt nhập viện mỗi năm. Tỉ lệ tử vong chung hơn 33%.
Siêu âm phổi là một công cụ không xâm lấn thực hiện tại giường, giúp giảm thiểu rủi ro và đánh giá diễn tiến bệnh một cách nhanh chóng trong suốt quá trình điều trị.
Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh rằng siêu âm phổi có độ chính xác không kém hơn so với CTScan ngực, đặc biệt là trong việc chẩn đoán các bệnh lý phức tạp như hội chứng mô kẽ phổi, đông đặc phổi, tràn dịch và tràn khí màng phổi.
Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã áp dụng rộng rãi và thường quy kỹ thuật siêu âm phổi, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân ngay từ giai đoạn cấp cứu, đặc biệt là các trường hợp đang được điều trị lọc máu liên tục và hạ thận nhiệt chỉ huy.